Nụ cười Hạ Long là cái giống gì? Chỉ giỏi la cho to, rồi xem sẽ làm được đến đâu? Sao cái clip đặt tên rõ hay là nụ cười Hạ Long mà xem đi xem lại chỉ có mỗi 2 bác cười thôi vậy? Sao ông kia lại nói là "Hạ Nong", đúng là mắc cười... Hạ Long các bác ơi. Khiếp, tỉnh gì mà lắm lãnh đạo quá vậy? Bình thường.
Đó là 5 trong số nhiều bình luận về clip Nụ Cười Hạ Long do 9 vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Thật may mắn, những bình luận "tiêu cực" như vậy là thiểu số. Còn hơn 100 bình luận (trong một khảo sát nhỏ mà tôi thực hiện) khác đều tán dương việc làm này của tỉnh Quảng Ninh.
Cảm giác chung nhất là "thích thú và hào hứng". Người ta thấy thích vì clip tạo ra được một sự bất ngờ. Thậm chí một số người còn không ngại ngần nói rằng họ cảm thấy "sửng sốt" với chương trình ý nghĩa này của tỉnh.
|
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ra thông điệp về "Nụ cười Hạ Long".Ảnh: QT |
Rõ ràng, Quảng Ninh đã ghi điểm với giới trẻ cả nước về nỗ lực xây dựng hình ảnh mới, trẻ trung hơn, thân thiện hơn và gần gũi hơn.
"Kiệm" lời khen như vậy, vì khi tìm hiểu sâu hơn, tôi biết clip này nằm trong một chương trình tổng thể kéo dài nhiều giai đoạn. Trong đó, có ít nhất một cuộc thi ảnh và một đêm biểu diễn văn hoá để chính thức phát động trên toàn tỉnh và gửi gắm thông điệp tới người dân cả nước. Tức là, Quảng Ninh có nhiều hoạt động trên cả online lẫn offline, để lan toả được tinh thần mến khách của họ đến với nhiều tầng lớp nhân dân. Bao gồm cả các du khách Quốc tế.
Với các chương trình dài hơi như vậy, hiệu ứng thu được đến đâu thì cần thêm thời gian mới có thể trả lời. Nhưng lời khen dành cho các hoạt động trên môi trường mạng (bao gồm cuộc thi ảnh ở website, video clip ở Youtube, fanpage và group trên facebook) thì đã có thể đo đếm được ngay.
Mang nụ cười và trái tim người dân Hạ Long hiếu khách đi tiếp thị khắp nơi không phải là một ý tưởng gì mới mẻ hay đột phá. Nhưng để đích thân các vị lãnh đạo làm đầu tàu kêu gọi và thực hiện thì lại là một điều ít ai nghĩ tới. Việc làm này càng ấn tượng hơn nữa khi phương tiện được sử dụng lại là mạng xã hội.
Vì trên thế giới, đây là một việc hết sức bình thường. Bình thường đến mức đương nhiên, nhưng ở Việt Nam, rõ ràng chưa có ai dám "dấn thân" để tạo ra tiền lệ.
Cũng chưa thấy vị lãnh đạo nào có các chương trình tiếp cận người dân thông qua môi trường truyền thông hiện đại, thí dụ như Facebook, Zalo, kênh Youtube hay những website tương tác. Chính điều này khiến cho giới trẻ cảm thấy nghị trường càng lúc càng lạ lẫm, các vị lãnh đạo thì cứ như người ở xa tít tận đâu đâu.
Có nhiều người trẻ quan tâm đến tình hình chính trị - xã hội của Đất nước. Họ cũng trăn trở với các vấn đề thời cuộc nhưng tìm không ra kênh phù hợp để đưa ý kiến. Còn nếu bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình trên các trang mạng xã hội thì không chắc ý kiến của mình được lắng nghe.
Ngay tại một ngã 4 đông đúc ở trong thành phố nơi tôi đang sinh sống, người ta cho đặt một bức tranh cổ động khổ lớn. Thú thực, giữa trời nắng nóng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khi nhìn vào tấm pano ấy, tôi chỉ ước "ánh mặt trời" chịu khó vi hành xuống làm một đoá "hoa hướng dương" nhỏ bé như tôi để hiểu tôi hơn thì tốt biết bao nhiêu?
Khi clip "Nụ Cười Hạ Long" xuất hiện trên Youtube, fanpage và group cùng tên được lập trên Facebook, giới trẻ đã nhanh chóng tuyển từ nghi ngờ qua thích thú. Có một thông điệp được ngầm hiểu với nhau rằng, chúng tôi đã chính thức "online" cùng các bạn, chúng tôi cũng như các bạn, và chúng ta có thể trao đổi với nhau một cách trực tiếp, thẳng thắn và dân chủ. Với lưu ý, chúng tôi ở đây được hiểu là những lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh.
Vậy là qua "ánh mặt trời" của Quảng Ninh đã chính thức "xuống ruộng" làm "hoa hướng dương" để gần gũi với nhân dân hơn nữa. Đó là cái "thắng lợi" trước mắt có thể thấy ngay, trước khi ngồi tính tới tính lui xem việc quảng bá du lịch và thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh có hiệu quả đến đâu.
Ông bà ta có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Nhưng kì thực, cái cách đưa trầu, cái thái độ của người mời trầu mới giúp khơi nguồn cho câu chuyện được tự nhiên, thoải mái. Một nụ cười trong bối cảnh như vậy còn giúp "phá băng" cho một cuộc gặp gỡ mà các bên còn tỏ ra ngờ vực, e ngại hoặc chưa thực sự có thiện cảm với nhau.
Tôi nghĩ clip "Nụ cười Hạ Long" của các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã làm được việc "phá băng" như vậy. Những rào cản vô hình được tháo dỡ sau nụ cười chân chất của ông Phó bí thư tỉnh uỷ. Những hố sâu ngăn cách được lấp đầy sau hành động giơ tay tạo biểu tượng trái tim của bà Phó chủ tịch UBND. Và nhiều chất keo gắn kết được tạo ra khi những cảm xúc chân thành được nhen lên trên nền nhạc bài Bonjour Việt Nam quen thuộc.
Trong group của chương trình, rất nhiều hình ảnh "trái tim" của đông đảo tầng lớp nhân dân cả nước đã sẵn sàng kết nối, và ủng hộ ít nhất về mặt tinh thần cho lãnh đạo Quảng Ninh và người dân Hạ Long. Tức là, chương trình đã tạo ra được sự đồng thuận của nhân dân. Mà khi trên dưới đã một lòng như vậy, thì việc dù lớn đến đâu, cũng lo gì không có cách để cùng nhau giải quyết và đạt được mục tiêu chung tất cả đã đề ra?