Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo vĩ mô về năng suất lao động Việt Nam thời kỳ 1992-2015. Theo đó, năng của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu đồng một người, tăng 6,42% so với năm 2015.
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đi xuống mức thấp nhất vào năm 2005 và có sự bứt phá nhất trong năm 2015, lần đầu tiên vượt ngưỡng 6%.
Theo CIEM, tính chung giai đoạn 1992-2014, năng suất lao động tính theo sức mua tương đương của Việt Nam tăng trung bình 4.64%, là mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN nhưng so với mức tăng 9,07% của Trung Quốc vẫn thấp hơn đáng kể.
Do xuất phát điểm rất thấp nên đến năm 2014, năng suất lao động của người Việt đạt 9.138,6 USD theo ngang giá sức mua (PPP) của năm 2011. Với mức này, gần 16 lao động Việt mới có năng suất làm bằng 1 người Singapore. Nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore.
Tương tự, 1 người Hàn Quốc cũng có năng suất lao động bằng 7 người Việt cộng lại. Mức năng suất lao động của nước ta cũng bị Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… bỏ xa. Khoảng cách này lại phần nào được nới rộng, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 15 người Việt Nam có năng suất lao động bằng 1 người Singapore năm 2013.
|
Tốc độ tăng năng suất của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á nhưng do xuất phát điểm thấp nên vẫn bị các nước khu vực bỏ xa. Nguồn: CIEM
|
Như vậy, người Việt Nam dù chăm chỉ, tốc độ tăng năng suất cao nhất Đông Nam Á nhưng vẫn mãi nghèo. CIEM nhận định: "Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và tăng chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực có năng suất thấp, phương tiện sản xuất chậm đổi mới, chất lượng lao động thấp và môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh".
Cơ quan này nhận định, trong khi đổi mới sáng tạo là động lực không có giới hạn của tăng trưởng, là chìa khóa giúp một số nước Đông Á vượt qua "bẫy thu nhập trung bình". Tuy nhiên, công nghệ và sáng tạo vẫn là "vùng trũng nhất" (có xếp hạng thấp nhất), kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
CIEM dẫn báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015, Việt Nam được xếp hạng chung là 68, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều. Cụ thể năng lực hấp thụ công nghệ Việt Nam xếp thứ 121; Chuyển giao công nghệ từ FDI số 93; Độ sâu của chuỗi giá trị là 112; Mức độ phức tạp của quy trình sản xuất xếp thứ 116; Chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học số 96; Giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông ở vị trí 96.
Nghiên cứu của CIEM còn cho thấy số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn ngày càng lớn. Tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và lớn giảm mạnh và liên tục từ 7,88% năm 2004 xuống còn 4% năm 2013. Việc các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chậm phát triển lên thành các doanh nghiệp vừa và lớn là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất tăng chậm
Năm 2013 thu nhập của lao động trong doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ bằng 70% thu nhập của lao động trong doanh nghiệp vừa. Xu hướng hiện nay tỷ trọng việc làm trong các doanh nghiệp vừa và lớn đang giảm dần. Nếu tiếp tục xu hướng này thì sẽ làm chậm quá trình tăng năng suất lao động của Việt Nam.
|
Thu nhập của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp nhất, nhưng số lượng tăng lên đông đảo là nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp. Nguồn: CIEM
|
Ngoài ra, khu vực công nghiệp xây dựng có năng suất lao động cao nhất tới gần 96 triệu đồng một năm, tốc độ tăng trưởng nội bộ ngành khá cao, nhưng chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành lại âm.
Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực có nhiều vấn đề nan giải khi những ngành công nghệ cao, kỹ thuật, chế tạo đem lại năng suất cao lại chưa để đáp ứng. Kết quả điều tra lao động việc làm giai đoạn 2010-2014 cho thấy, tỷ lệ người thất nghiệp đã qua đào tạo tăng từ 18,6% năm 2010 lên 40% năm 2014.
Trên cơ sở đó, CIEM đưa ra bốn khuyến nghị để tăng năng suất lao động trong bối cảnh hội nhập sâu sắc. Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và một trong bốn trụ cột lớn của khối này là lao động được tự do di chuyển. Khi đó, nếu năng suất lao động thấp, lao động Việt Nam sẽ bị bật ra khỏi cuộc chơi.
Thứ nhất, có chiến lược tiếp cận tổng thể tăng năng suất. Chiến lược tổng thể này được hình dung như một mũi tên dưới đây với mũi nhọn là các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính và tri thức tiếp thu và phát triển công nghệ từ trên thế giới đồng thời tạo môi trường lan toả tri thức và công nghệ xuống cho các doanh nghiệp nhỏ hơn ở trong nước.
Thứ hai, phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và lớn đồng thời khuyến khích phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ để thu hút lực lượng lao động từ khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức có năng suất lao động cao hơn.
Thứ ba, thúc đẩy chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông lâm thuỷ sản có năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nhờ đó tăng năng suất lao động nói chung và tạo điều kiện áp dụng sản xuất ở quy mô lớn trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả trong ngành nông lâm thuỷ sản.
Thứ tư, có chính sách tập trung vào mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo dạy nghề để nhanh chóng khắc phục tình trạng phần lớn lao động chưa qua đào tạo.
Theo Tổng cục thống kê, từ năm 2006 đến nay thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng đáng kể, từ 796 USD lên 2.109 USD, năng suất lao động tăng tương ứng từ 24 lên 79 triệu đồng một người.