Dọc các tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Phạm Văn Chí (quận 6), Phạm Thế Hiển (quận 8)… có hàng chục căn nhà treo bảng rao bán. Mặt đường cao hơn nền nhà 1-2 mét, cầu thang dốc đứng, mọi sinh hoạt, đi lại rất khó khăn là điểm chung của những căn nhà này.
|
căn nhà nằm lọt thỏm dưới chân đường. Ảnh: Duy Trần
|
Bà Tỵ (70 tuổi) lụm cụm móc tấm bảng rao bán nhà lên cánh cửa gỗ bạc thếch ngay mặt tiền đường Phạm Văn Chí, cho biết đã sống ở đây hơn 40 năm. Nhưng giờ nhà bà thấp hơn mặt đường 1,5 mét, cửa chính chỉ còn một ô hình vuông diện tích 1,2 x 1,2 mét. Mỗi lần ra vào, bà lão phải khom người trèo lên ghế nhựa rồi gắng hết sức mới có đà bước ra ngoài.
“Hơn nửa cuộc đời ở đây, bán nhà tiếc lắm nhưng hết ở được rồi. Tôi già cả, lại không có tiền nâng nền thì đi chỗ khác sống chứ ở kiểu này có ngày té gãy tay chân làm khổ con cháu”, bà Tỵ nói vẻ ngán ngẩm.
Treo bảng bán nhà gần một tháng nay, ông Hiếu ở đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) cho biết: “Làm được bao nhiêu tiền đổ hết xuống nền, cả mấy trăm triệu rồi chứ ít gì. Giờ nghỉ hưu, hết tiền nâng nền cao cho bằng mặt đường nên chỉ còn cách bán đi nơi khác sống”.
Do lối ra trước nhà bị đường bịt kín, nhiều người phải trổ cửa hậu hoặc đục tường mở lối đi qua nhà hàng xóm. Bà Thanh Thi, ngụ đường Phạm Văn Đồng cho biết, nóc nhà bà đang ngang với mặt đường. Sau khi nâng hàng chục lần, cửa sổ chỉ còn cách nền nhà 20 cm.
"Trời mưa, nước trên đường đổ dồn vô nhà mấy ngày mới rút. Còn khi trời nắng thì ngột ngạt, nóng bức kinh khủng vì ẩm thấp. Nâng nhiều, trần nhà bị hạ thấp, khách tới chơi ngại lắm vì đi ra đi vô toàn ôm đầu xuýt xoa khi vướng phải thanh xà, cây cột. Giờ chỉ bán hoặc đập đi chứ hết nâng nổi rồi”, bà Thi nói.
|
Một căn nhà đường cao tới nóc trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Duy Trần
|
Nói về nguyên nhân nhà biến thành hầm, một người đàn ông trên đường Phạm Văn Chí chỉ tay về con đường đang che gần nửa ngôi nhà của mình. "Mười mấy năm trước tôi xây nhà cao hơn đường nửa mét, giờ nhà tôi thấp hơn đường một mét. Đường ngập, người ta nâng lên, đoạn khác ngập, người ta cũng nâng. Nâng xong bên kia, lại ngập bên này nên nâng tiếp. Cứ làm vài vòng như vậy hỏi sao nhà tôi không thấp cho được", ông này bức xúc.
Một chuyên gia về lĩnh vực chống ngập cho hay, do cách làm của cơ quan chức năng thiếu quy hoạch dài hạn, đụng đâu sửa đấy nên mới có tình trạng đường biến nhà thành hang, hầm. "Một cái nữa là khi người dân làm thủ tục xây nhà, chẳng có cán bộ nào nhắc nhở hay khuyến cáo về các bản quy hoạch để người dân dự tính xây cốt nền cao", ông này nói.
Theo UBND quận 6, nơi có nhiều nhà đang rao bán, địa bàn quận thường xuyên chịu ngập, triều cường nên phải nâng đường, hẻm lên cao để người dân đi lại. Quận này đang khảo sát toàn bộ những tuyến đường biến nhà dân thành hầm để xem xét sử dụng các nguồn vốn vay, quỹ phúc lợi hỗ trợ người dân sửa nhà, ổn định cuộc sống.
Ngày 7/11, Bộ Giao thông Vận tải ban hành chỉ thị đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải khảo sát kỹ các phương án thiết kế để mặt đường không cao hơn nhà dân gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như tình hình giao thông.
>>> Video: Nhiều nhà dân trên đại lộ Phạm Văn Đồng rao bán nhà