Màn trình diễn chói sáng của Công Phượng trong màu áo U19 Việt Nam đã giúp anh lọt vào mắt xanh của rất nhiều tuyển trạch viên quốc tế. Đặc biệt, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Arsenal, PSV Eindhoven từng đề nghị bầu Đức cho phép mua lại Công Phượng. Theo tiết lộ của một lãnh đạo HAGL Arsenal JMG, các nhà tuyển trạch quốc tế định giá Công Phượng từ 3-4 triệu USD.
Nhận định về mức giá trên, HLV Phan Thanh Hùng nói: “Không có chuyện Công Phượng giá 3-4 triệu USD. Đó là giá ảo, tôi không tin có người đến mua. Đây là thông tin nói vậy, chứ ai mua, CLB nào mua, người nào nói, người nào đặt vấn đề với CLB? Nước ngoài họ mua thì công khai chứ không lén lút, đặt vấn đề luôn. Công Phượng được CLB này CLB kia quan tâm thì sẽ có sự cạnh tranh mua, sẽ có những mức giá họ đưa ra để làm sao mua được, chứ mức giá đó ai mua?”.
|
HLV Phan Thanh Hùng cho rằng, tin Công Phượng được định giá 3-4 triệu USD chỉ là "ảo".
|
Không chỉ gói gọn trong vấn đề Công Phượng, HLV Phan Thanh Hùng cho rằng, ở Việt Nam lúc này chưa có cầu thủ nào đáng giá lên tới hàng triệu USD. Trở lại với Công Phượng, HLV Phan Thanh Hùng cho rằng, cầu thủ này rất tội nghiệp khi phải đối mặt với quá nhiều vấn đề từ phía truyền thông, mà câu chuyện giá 3-4 triệu USD là một ví dụ.
“Chỉ thấy tội cho Công Phượng thôi. Hãy để mọi thứ đến tự nhiên. Công Phượng vẫn là cầu thủ trẻ cần phải phát triển. Kể cả HAGL mà nâng Công Phượng lên quá là Phượng có thể hỏng chân. Một cầu thủ trẻ cần đi đúng lộ trình, từ trẻ đến chuyên nghiệp, trưởng thành còn xa lắm”, HLV Phan Thanh Hùng tiếp.
Là một người rất có tâm huyết với bóng đá Việt Nam, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ, gần như chưa có cầu thủ nội nào được “xuất khẩu” sang nước ngoài. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là, ở bất cứ nơi đâu, trong đó có Việt Nam, cũng luôn tồn tại các tài năng trẻ xuất chúng. Cơ hội có thể bán cầu thủ trẻ sang nước ngoài của Việt Nam luôn luôn có, nhất là sau sự thành công của U19 Việt Nam.
“Rất khó so sánh tài năng trẻ Việt Nam với các nước khác, ở đâu cũng có tài năng, có khả năng phát triển. Chuyện định giá tài năng là rất khó, vì còn tùy nhu cầu từng CLB đến mua. Để tranh chấp, xuất khẩu cầu thủ Việt Nam hiện tại thì khó, nhưng vẫn có những người đi săn tìm cầu thủ Việt Nam, vẫn có thể bán được. Tất nhiên đó là câu chuyện trong tương lai.
Gần đây thì U19 Việt Nam đá hay, có bản sắc. Người ta không quan tâm lắm chuyện thấp bé của cầu thủ Việt Nam. Thành tích vừa rồi của U19 sẽ khiến những người đi tìm tài năng quan tâm tới Việt Nam, họ sẽ tới tìm hiểu, hỏi xem có bán hay không. Bóng đá trẻ Việt Nam cứ có thành tích là người ta sẽ đến”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vào năm 2007, HLV Phan Thanh Hùng có tới Brazil để tìm kiếm các cầu thủ mới hòng mang về Việt Nam. Chuyến đi này đã thất bại, do không thể đáp ứng yêu cầu giá của phía Brazil. Nhưng bản thân HLV Phan Thanh Hùng thì có nhiều trải nghiệm rất thú vị và bổ ích.
“Các cầu thủ trẻ Brazil rất đắt giá, chưa đến mức triệu USD nhưng cũng vài trăm nghìn. Nhiều CLB châu Âu qua Brazil đặt hàng, giống như kinh doanh tài năng, mua lúa non từ khi 16, 17 tuổi. Khi tôi đến sân ngồi xem tài năng trẻ của họ đá tập, thì trên khán đài thấy rất nhiều người, thật kinh ngạc đó đều là các tuyển trạch viên. Họ sang mua từ sớm, rồi gửi tiền để CLB nuôi dạy tiếp, đến tuổi trưởng thành thì sẽ xem phát triển tới đâu, đạt yêu cầu là lấy về”.