Theo kết luận của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, liên quan đến các sai phạm tại Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT), ông Lê Hải Phong (Giám đốc), Văn Công Điểm (Phó giám đốc), Nguyễn Tiến Thịnh (Trưởng phòng Kế toán - Tài chính) bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng.
Hai ông Nguyễn Lâm Hải, Phó giám đốc Trung tâm và ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ Sở GTVT bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Ngoài ra, 4 cán bộ khác liên quan đến vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thống nhất không thi hành kỷ luật mà chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm nghiêm túc vì quá trình kiểm điểm đã nhận thức được thiếu sót, khuyết điểm.
Liên quan đến những sai phạm này, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Sở GTVT xem xét đề xuất xử lý về mặt chính quyền đối với các sai phạm tại Trung tâm và trình UBND thành phố trong thời gian sớm nhất.
|
Mỗi năm TP HCM chi hơn 1.000 tỷ đồng ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Ảnh: H.C.
|
Trước đó, sau khi thanh tra công tác trợ giá hoạt động xe buýt tại Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng, Giám đốc Sở GTVT và Đảng ủy Sở này thừa nhận việc quản lý, điều hành trợ giá xe buýt từ ngân sách nhà nước còn nhiều thiếu sót, sai phạm diễn ra liên tục nhiều năm liền.
Theo Sở GTVT TP HCM, từ năm 2011 đến nay, sai phạm trong hoạt động trợ giá đưa rước học sinh là nghiêm trọng. Trung tâm đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để các doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển tự "vẽ" số lượng hành khách được trợ giá. Trong đó, trung tâm đã thanh toán tiền trợ giá đưa rước công nhân cho Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn chi phí nhiên liệu phát sinh trùng với chi phí nhiên liệu đã được công ty này thỏa thuận với các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đưa rước công nhân, gây thiệt hại ngân sách hơn 3,7 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, thanh tra cũng phát hiện tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) và trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận) có dấu hiệu kê khống số lần vận chuyển học sinh để quyết toán. Nghiêm trọng hơn, HTX Phương Lâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi giả mạo chữ ký, con dấu của tiểu học Bàu Sen để lập hồ sơ khống, chiếm đoạt tiền trợ giá đưa rước học sinh năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, gây thiệt hại hơn 214 triệu đồng.
TP HCM hiện có hơn 3.000 đầu xe buýt hoạt động trên 200 tuyến (110 tuyến có trợ giá) đáp ứng được khoảng 10,7% nhu cầu đi lại của nhân dân. Mỗi năm ngân sách thành phố chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho loại vận tải công cộng này, riêng năm 2013 là khoảng 1.300 tỷ đồng.