Những ý kiến này cho rằng khi anh Thoại để rơi nước mắt và quỳ lạy người bán hàng như thế chẳng khác gì thể hiện anh là một người đàn ông hèn, và thậm chí là yếu đuối khiếm nhược trước những người không đáng trọng, trước đồng tiền.
|
Ảnh cắt ra từ clip |
Trong cuộc sống con người, có biết bao nghịch cảnh xảy ra. Lẽ dĩ nhiên chúng ta có quyền đòi hỏi sự công bằng. Song đôi khi, chúng ta tình cờ rơi vào những phản ứng khá tiêu cực. Cụ thể như chúng ta đòi thực thi ngay lập tức "nhân nào thì quả ấy". Trong sự nóng vội ấy, "hòn bấc ném đi hòn chì ném lại", chúng ta dường như ít nhận ra được rằng cách ứng xử này vô hình chung tạo nên một bầu không khí ngày càng căng thẳng.
Nếu thử đặt một giả thiết (không hay ho cho lắm), là để bảo vệ sự công bằng, anh Thoại chọn sự nóng vội, lấy bạo lực để giải quyết vấn đề, thì có phải là đã xảy ra: nhẹ thì cãi vã to tiếng bằng ngôn từ, nặng thì xô xát bằng thể chất; và ai biết đâu là đã có thể gây thương tích cho một hoặc cả hai bên?
Tôi tin chắc không ai muốn lựa chọn giải pháp trên, bởi lẽ chúng ta hiểu hơn ai hết là tình trạng bạo lực xã hội hiện nay ở Việt Nam không có chiều hướng thuyên giảm và cá nhân mỗi người trong chúng ta không ai muốn tạo điều kiện cho tình trạng căng thẳng và rủi ro như thế này tiếp diễn.
Bên cạnh đó, tôi đồng cảm với hướng suy nghĩ cho rằng phản ứng của anh Thoại là một cách ứng xử khơi gợi lay động lòng tốt, lòng từ bi của vợ chồng ông chủ cửa hàng Jover Chew - vốn đã bị lòng tham lam che khuất. Đó cũng là một sự khiêm nhường biết sai lỗi của chính anh. Vì anh biết mình đã đưa ra một quyết định trong khi không hoàn toàn nắm rõ nội dung của bản hợp đồng. Dù ý thức được rằng cách ứng xử của người bán hàng là sai trái, dù anh cũng muốn thiết lập sự công bằng, nhưng đây là sự công bằng trên cơ sở sự thuyết phục, của sự khơi gợi lòng thương giữa con người với nhau chứ không phải trên áp lực và gây hấn.
Cũng trong những ý kiến phán xét anh Thoại, còn có ý kiến có hàm ý nói anh đã làm xấu mặt đàn ông Việt. Nhưng thế nào là gương mặt đàn ông Việt mà chúng ta hướng đến?
Trước khi nói đến một đặc tính căn cốt nào của người đàn ông Việt, một phẩm tính nào đó đáng được ngưỡng mộ, có lẽ chúng ta cần phải đồng ý với nhau rằng cần nhìn thẳng vào cuộc sống trước mặt : trước tiên chúng ta là những con người bình thường, có những mối lo bình thường, có trách nhiệm với cuộc sống của cá nhân mình cũng như với những người thân. Mà ở đây, trách nhiệm trước hết liên quan đến vấn đề bảo vệ tài sản của mình. Trước khi anh Thoại đại điện cho một hình ảnh đàn ông Việt, anh là một người đàn ông bình thường có người yêu. Anh có quyền chăm sóc bạn gái của anh bằng việc tặng quà bằng đồng tiền của anh làm ra cũng như bảo vệ khối tài sản đó của anh trước nguy cơ bị chiếm đoạt sai trái. Một số người còn gợi ý rằng lẽ ra anh nên phải "bất cần", thậm chí "bố thí" cho hai vợ chồng chủ cửa hàng kia.
The video could not be loaded, either because the server or network failed or because the format is not supported: http://img.vietnamnetad.vn/2014/10/28/09/blank-video.mp4
Tuy nhiên, điều này chỉ xảy đến khi anh không thực sự muốn bảo vệ đồng tiền của anh làm ra, không muốn bảo vệ giá trị sức lao động của mình, vì một thể diện dân tộc nào đó. Quan trọng hơn là anh có lòng tôn trọng con người, dù bị đối xử bất công, phản ứng bột phát của anh cho thấy anh vẫn tin hai vợ chồng ông chủ cửa hàng vẫn còn có lương tâm và biết suy nghĩ để hành xử một cách đúng đắn.
Tôi tự hỏi, liệu có phải vì những thăng trầm lịch sử quá lâu, hay vì cách giáo dục, mà chúng ta đã và vẫn đang muốn xây dựng hình ảnh người đàn ông "anh hùng" trên mọi lĩnh vực ? Trước một hình tượng người đàn ông "anh hùng" như thế, thì khuôn mặt đầy nước mắt và cái quỳ lạy của anh Thoại (một cách cư xử chân thật, nhân văn trong cuộc sống hàng ngày) lại trở thành một biểu tượng đi ngược lại với "truyền thống bất khuất", trở thành nhát búa đập vỡ hình tượng mà người ta đã xây dựng.
Nếu thực sự có một hình ảnh nào đó về người đàn ông Việt, thì chắc chắn đó không phải là một người đàn ông gia trưởng, độc đoán, hung hăng. Người đàn ông Việt nếu có phẩm cách nào đó chắc chắn sẽ không xa lạ với những phẩm cách của những đàn ông khác trên châu lục, họ có quyền thể hiện cảm xúc và rơi nước mắt trước những nghịch cảnh. Những giọt nước mắt này làm tôi nhớ đến câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Đôi khi người ta có ấn tượng rằng khoan dung và nhẫn nhục là không có cá tính, thiếu cảm xúc, nhưng thật ra không phải vậy, chúng sâu sắc và hiệu quả hơn nhiều so với sự hoàn toàn dửng dưng". (Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV, Phát tâm Bồ-đề, nxb Tôn giáo, 2012, tr.100)
Loại trừ phản ứng thái quá của cộng đồng mạng Singapore khi trả đũa vợ chồng người chủ cửa hàng bằng cách thâm nhập cuộc sống cá nhân của họ, thì tiếng nói chính thức đòi trả lại công bằng cho anh cũng như kiến nghị để các nhà quản lý Singapore tạo ra một môi trường du lịch lành mạnh hơn, cộng với việc lên tiếng của Bộ trưởng Nhân lực khiến tôi thực sự tin rằng sự nhẫn nhịn của anh Thoại đã mang lại những kết quả có ý nghĩa.
Tuy nhiên, chúng ta có quyền kỳ vọng anh Thoại có thể có một lối ứng xử "lý tính" hơn. Chẳng hạn biết thẳng thắn tranh luận với chủ cửa hàng, hay bình tĩnh gọi cảnh sát, hoặc là có phản hồi chính thức trong cộng đồng khách du lịch Việt Nam tới Singapore. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể trang bị những kiến thức gì và làm thế nào để những người công nhân như anh Thoại có đủ sự tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh cũng như biết cách bảo vệ mình trước những rủi ro khi hòa nhập vào môi trường quốc tế?
Để làm được điều đó, tôi nghĩ trách nhiệm và nỗ lực sẽ không chỉ đến từ một cá nhân như anh Thoại.