|
Công Phượng duy trì phong độ cao trước U19 Nhật Bản. Ảnh: Lâm Thỏa.
|
Trước trận đánh lớn là giải U19 châu Á, thầy trò HLV Guillaume Graechen đã có màn trình diễn ấn tượng với đối thủ trực tiếp là U19 Nhật Bản. Từ trận đấu với U19 Australia và sau 90 phút trên sân Mỹ Đình tối nay, đội chủ nhà gửi một thông điệp ngầm rằng họ sẵn sàng đá để thắng.
U19 Nhật Bản từng đè bẹp U19 Việt Nam với tỷ số 7-0 ngay đầu năm. Đó là trận thua toàn diện của đội chủ nhà, về đẳng cấp lẫn tư duy chiến thuật. Trong lần tái đấu này U19 Việt Nam vẫn thua nhưng sự tiến bộ không chỉ thể hiện qua bảng tỷ số mà từ cách thức nhập cuộc và tổ chức của các cầu thủ. Không còn sự ngây thơ và hồn nhiên khiến lối chơi dễ dàng bị bẻ gãy chỉ sau ít phút nhập cuộc như cách đây tám tháng, U19 Việt Nam chủ động cầm bóng và rình rập thời cơ kết liễu đối phương.
Bàn thắng của Văn Toàn là bước ngoặt giúp U19 Việt Nam chơi tốt lên rất nhiều sau những phút đầu bị lép vế. Trong một lần được đá chính, Văn Toàn đã để lại dấu ấn với pha xoay người sút bóng từ ngoài vòng 16m50 khiến hàng thủ đối phương bất ngờ. Bàn thua khiến U19 Nhật Bản dồn lên tấn công nhưng đội chủ nhà không bị cuốn vào lối đá của đối thủ. Các học trò của HLV Guillaume Graechen vẫn cầm bóng giảm nhịp độ trước khi tìm được phương án tấn công.
Điều này khác hoàn toàn so với trận chung kết U22 Đông Nam Á với Myanmar vừa qua. Khi đó dù đã dẫn bàn nhưng U19 Việt Nam vẫn mải mê tấn công và thua trong một cuộc rượt đuổi không đáng có. Tại giải U19 châu Á tới đây, U19 Việt Nam sẽ cùng bảng với đại diện Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu không đặt mục tiêu vào sân để giành kết quả một cách toan tính thì khó tin thầy trò HLV Guillaume Graechen qua được bảng đấu quá nặng. Một tấm vé tới giải U20 thế giới còn rất xa, nhưng khoảng cách đượt rút ngắn lại với những bài học như trận đấu tối nay.
Không tìm được đường vào khung thành U19 Việt Nam trong hiệp một, nhưng U19 Nhật Bản đã cho thấy sức mạnh khó lường khi tăng tốc đầu hiệp hai. Sau tình huống bóng đập cột dọc đáng tiếc, U19 Nhật Bản đã có được bàn gỡ hòa nhờ pha sút xa của Yosuke. Bàn thắng cho thấy sự đa dạng trong lối chơi tấn công mà các cầu thủ U19 Nhật Bản thể hiện.
Bàn thua không khiến U19 Việt Nam nản lòng mà trái lại họ vẫn kiên định với lối chơi đề ra. Phòng ngự tập trung ở phần sân nhà và tấn công xoay quanh đội trưởng Công Phượng. Tiền đạo số 10 chính là điểm nổi bật trong sự thay đổi của đội chủ nhà. Công Phượng giúp đội bóng dễ dàng chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công nhờ khả năng đột phá và sự ăn ý với các đồng đội. HLV Guillaume Graechen cho Công Phượng chơi thấp sau lưng Văn Toàn phần nào cũng giúp đội trưởng U19 Việt Nam có thêm khoảng trống và tránh được sự chú ý từ hàng thủ đối phương.
|
U19 Nhật Bản (áo vàng) đã có khoảnh khắc toát mồ hôi với U19 Việt Nam. Ảnh: Lâm Thỏa.
|
Công Phượng đã có hai tình huống đối mặt rõ ràng để ghi bàn. Một từ pha bật tường trước vòng 16m50 và tình huống tiếp theo sau pha đi bóng kỹ thuật xộc thẳng qua ba cầu thủ đối phương. Tuy nhiên trong cả hai pha bóng, Công Phượng đều không đủ thời gian và tư thế thuận lợi cho một cú dứt điểm tốt.
Bỏ lỡ các cơ hội trước đối thủ mạnh như U19 Nhật Bản đã khiến đội chủ nhà phải trả giá. Sức mạnh thể lực và đẳng cấp giúp U19 Nhật Bản có hai bàn thắng liên tiếp vào cuối trận. Văn Toàn thêm một lần tỏa sáng để mang về quả phạt đền cho Công Phượng rút ngắn tỷ số còn 2-3.
Tại bán kết, U19 Việt Nam sẽ gặp U19 Myanmar, U19 Nhật Bản gặp U19 Thái Lan. Trận đấu diễn ra vào ngày 11 tháng chín tới đây.
Đội hình ra sân
U19 Việt Nam: Minh Toàn; Tiến Dũng, Xuân Hùng, Anh Thi, Hồng Duy; Xuân Trường, Tuấn Anh, Thanh Tùng, Văn Long, Công Phượng, Văn Toàn.
Ghi bàn: Văn Toàn (22'), Công Phượng (phạt đền 90')
U19 Nhật Bản: Nakamura Kosuke; Miura Genta, Yuki, Keisuke, Ochi Yamoto, Shota, Masaya, Sakai Daisuke, Takagi Daisuke, Yosuke, Taro.
Ghi bàn: Yosuke (58'), Masaomi (84'), Shota (88')