Từ cuối tháng 2, ba nhà mạng lớn gồm VNPT VinaPhone, MobiFone, Viettel đều lần lượt công bố tung ra thị trường một triệu thuê bao đầu số mới. Qua kênh chính thức lẫn truyền miệng, quảng bá trên mạng xã hội... những cái tên thể hiện ý nghĩa của đầu số được truyền đi rất "kêu" như 086 (phát lộc), 088 (song phát) hay 089 (phát trường cửu).
Sau khi thăm dò các đối thủ, VNPT VinaPhone mở màn sớm nhất khi cho phép khách hàng đặt số trực tuyến từ ngày cuối cùng của tháng 2. Tuy nhiên, chiến lược của Vinaphone là tung số lượng nhỏ giọt, chỉ 1.000 số đầu 088 trong đợt đầu. Việc này đã tạo ra cảm giác khan hiếm, trở thành một cơn sốt ảo khi một số đại lý, cửa hàng nhận đặt số với giá thậm chí lên tới 7 triệu đồng một số. Đến ngày 7/3, VinaPhone đã chính thức mở bán đầu số 088 tại các điểm giao dịch ở Hà Nội và TP HCM.
|
Khách hàng chờ mua sim đầu số mới của một nhà mạng trong ngày đầu ra mắt.
|
Là đơn vị dẫn đầu thị trường về số lượng thuê bao, đồng thời tiết lộ thông tin muộn nhất, song Viettel cũng khởi động khá sớm khi từ 4/3 đã cho phép khách hàng đăng ký trực tuyến và chỉ sau đó một ngày có thể mua trực tiếp đầu số mới 086 tại các cửa hàng, đại lý... Nhà mạng cũng chọn một hướng đi khác khi ồ ạt tung ra thị trường hàng trăm nghìn sim "phát lộc". Giá cước của các gói đi kèm cũng được cam kết sẽ ở mức bình dân.
Năm 2015, MobiFone là nhà mạng phát triển được nhiều thuê bao nhất khi tăng 15 triệu số, tăng trưởng gần 54% so với năm 2014. Viettel cũng phát triển mới 6 triệu thuê bao, trong đó ba phần tư là ở thị trường nước ngoài. VNPT-VinaPhone tăng 3,3 triệu số. Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, Viettel hiện có 56,4 triệu thuê bao, MobiFone là 40,2 triệu và VinaPhone là gần 30 triệu. |
Chỉ sau đó một ngày, đại gia viễn thông thứ 3 là MobiFone cũng công bố cho đặt mua số online. Và ngày 9/3, các sim 089 được cung cấp trực tiếp tới tay người dùng. Với việc tung ra đầu số mới, riêng trong tháng 3, MobiFone kỳ vọng sẽ phát triển thêm 1,4 triệu thuê bao.
Trao đổi với VnExpress, ông Tô Dũng Thái, Tổng giám đốc VNPT-Vinaphone bày tỏ kỳ vọng đầu số mới sẽ giúp đơn vị này tăng trưởng khoảng 5 triệu thuê bao, gấp rưỡi so với năm 2015. Trong khi đó, đại diện Viettel cho rằng đầu số lộc phát không chỉ giúp lượng thuê bao của nhà mạng tăng trưởng mạnh hơn mà còn nâng được số hoạt động thực chất (có phát sinh cước theo tháng).
Tuy nhiên, bên cạnh kỳ vọng phát triển thuê bao, các nhà mạng cũng ấp ủ những chiến lược xa hơn khi phát triển hàng loạt các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm đầu số mới.
VinaPhone xác định ngay từ khi ra mắt là hướng tới 3 tập khách hàng chính: giới trẻ, văn phòng và doanh nhân. Theo đó, từ hình ảnh thiết kế trên sim, đến tên gói cước cũng như những chính sách đối với nhóm khách hàng này được nhà mạng lựa chọn khá kỹ lưỡng. Các số điện thoại mới đều gắn kèm với những gói cước được thiết kế theo dạng combo gồm dịch vụ thoại (trong nước và quốc tế), nhắn tin, data trọn bộ. Với những số càng đẹp thì điều kiện đi kèm càng cao, ngặt nghèo, thậm chí một số gói cước, phí hoà mạng và cam kết sử dụng dịch vụ tối thiểu cao gấp vài lần các đối thủ.
Đại diện VinaPhone cho biết, chiến lược trên khá mạo hiểm nhưng lại phù hợp trong bối cảnh thị trường đã bão hoà, và tỷ lệ thuê bao trên đầu người đạt 1,3 lần. Để hướng tới nhóm khách hàng mục tiêu, đơn vị này còn liên kết với các đối tác trong lĩnh vực hàng không, khách sạn, thời trang, nghỉ dưỡng, giải trí, y tế, giáo dục... để tạo các ưu đãi riêng cho các chủ thuê bao đầu số mới.
Trước đó, trên thị trường viễn thông, MobiFone cũng áp dụng chính sách ưu đãi tương tự nhưng chỉ hạn chế với các hội viên cao cấp. Tuy nhiên, ngay đầu tháng 3, nhà mạng này cho ra mắt một ứng dụng cập nhật các ưu đãi từ đối tác trong các lĩnh vực ẩm thực, giải trí, làm đẹp, mua sắm, khách sạn và nghỉ dưỡng… Trong đó, tất cả các thuê bao của MobiFone sẽ được áp dụng các chương trình ưu đãi riêng khi sử dụng dịch vụ của các đối tác này.
Với đầu số 089, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết nhóm khách hàng mục tiêu là giới trẻ thành đạt. Do đó, nhà mạng sẽ bán kèm các gói cước dành riêng, kết hợp giữa thoại, SMS, data...
Trong khi đó, nhà mạng lớn nhất thị trường chưa có chính sách đặc biệt nào đối với các thuê bao đầu số mới. Tuy nhiên, đại diện Viettel thừa nhận xu hướng dịch vụ thoại giảm do sự tác động của các các dịch vụ OTT sẽ buộc các nhà mạng phải tìm hướng đi mới nhằm tăng doanh thu dữ liệu, dịch vụ giá trị gia tăng. Với Vinaphone, ông Tô Dũng Thái cho biết những tính toán của đơn vị này cũng nhằm chuẩn bị cho một giai đoạn mới khi 4G chính thức được đưa vào khai thác thương mại.
Bên cạnh cuộc đua của các nhà mạng, thị trường cũng rất quan tâm đến vấn đề hiệu suất sử dụng các đầu số đã được cấp hiện nay ra sao. Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Viễn thông Theo báo cáo của Cục Viễn thông cho biết, tính đến hết năm 2015 Việt Nam có gần 121 triệu thuê bao di động. Theo Quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông thì doanh nghiệp được xem xét phân bổ số thuê bao mới khi hiệu suất sử dụng các đầu số cũ đạt trên 75%.
Ông Tuấn cũng cho biết, thực tế, khách hàng thường thích các thuê bao 10 số hơn số thuê bao 11 số. Số liệu của các doanh nghiệp cũng cho thấy các đầu 10 số đã cạn kiệt, hiệu suất sử dụng rất cao, khoảng 90%. Trong khi theo quy hoạch kho số viễn thông, các thuê bao 11 số sau này sẽ phải chuyển đổi về đầu 10 số. Do đó, để tránh tình trạng làm gia tăng thuê bao 11 số nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sau này, cơ quan quản lý quyết định phân bổ thêm đầu số mới cho các doanh nghiệp.
Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel - ông Nguyễn Việt Dũng cho hay, ngoài việc cung cấp dịch vụ di động, đơn vị này còn đưa các giải pháp công nghệ thông tin vào nhiều lĩnh vực như y tế, giao thông, giáo dục... do vậy nhu cầu về kho số cũng rất lớn. Theo ông, các đầu 11 số sau này có thể sẽ được dùng cho các dịch vụ, thiết bị có gắn sim để sử dụng như công tơ điện, đồng hồ định vị cho trẻ em hay GPS cho ôtô...