Cây sanh bạc tỷ được săn lùng ở Huế
Ngày: 09/03/2016
Người dân xứ Huế tin rằng 'món hàng' mà giới chơi cây cảnh từ Bắc chí Nam lùng sục mua bằng được là cây sanh của ông Ngô Đình Cẩn - người nắm quyền ở miền Trung trong chế độ cũ.
Nhiều người dân Huế cho rằng có hai cây bon sai được liệt vào hàng “siêu độc” có giá lên đến hàng tỷ đồng, một trong số đó là cây sanh trong gia trang trên đường Nguyễn Trường Tộ (TP Huế).
Gia trang trên đường Nguyễn Trường Tộ từng là nơi ở của ông Ngô Đình Cẩn trước ngày đất nước thống nhất. Sau 1975, khu đất này được phân chia cho những người có công với cách mạng và gia đình ông Lê Đình Sự bấy giờ “trúng” lô đất có gốc sanh trăm tuổi.
Theo ông Sự, bản thân không biết tuổi cũng như giá trị thật của cây sanh trong vườn nhà. Năm 1976, khi được chia đất làm nhà, nhiều người khuyên ông nên chặt bỏ cây sanh đi để lấy diện tích. “Lúc ấy tôi bảo, dù không biết cây sanh bao nhiêu tuổi, nhưng nó đã tồn tại và gắn liền với một giai đoạn lịch sử. Hơn nữa, chủ nhân đời trước của cây đã dành nhiều công sức để chăm bẵm thì không có lý do gì tôi phá bỏ một gốc cây vốn gắn liền với một con người”, ông Sự nói và cho hay việc cây sanh được “định giá” đến 14 tỷ đồng chỉ là lời đồn thổi bằng miệng trong giới chơi cây cảnh.
Có nhiều lời đồn rằng, dưới gốc cây ẩn chứa “kho báu” là khối tài sản mà chủ nhân đời trước đã tích cóp nên cây sanh ấy mới được định giá 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Sự khẳng định câu chuyện “kho báu” ẩn mình dưới gốc cây chỉ là do dân gian thêu dệt vì đã nhiều lần tát cạn hồ nước mà không phát hiện gì. “Có thể sau giải phóng, giới chơi cây cảnh cố đô không muốn cây sanh gắn liền với gia đình ông Ngô Đình Cẩn lọt vào tay những người chuyên săn tìm cây cảnh nên đã dựng câu chuyện ly kỳ, đồng thời đồn thổi giá trị của cây lên”, ông Sự suy luận và cho hay những năm 2000 trở về sau, nhiều người đến xin chiêm ngưỡng cây sanh nhưng ít ai đề cập chuyện mua bán mà chỉ thắc mắc vì sao cây được ra giá cao như vậy. Để bảo vệ cây, ông Sự đã xây dựng hệ thống tường rào bằng thép B40 quanh khu vực cây tọa lạc. Quanh hồ nước, có nhiều tảng đá lớn với hình thù và kích thước khác nhau mà theo lời gia chủ, những tảng đá ấy đã có từ khi cây sanh được trồng trong khuôn viên. “Những tảng đá được dựng lên như một bức bình phong, hòn non bộ theo thuật phong thủy của người xưa, nó che chắn cho cây, có nhiều tảng đá được rễ cây bao phủ”, chủ nhân 72 tuổi kể.
Cây cao hơn 2m, có tán rộng với hàng chục cành lá lớn nhỏ tủa ra khắp thân. Vào mùa xuân, cây xanh tốt, rợp bóng soi mình xuống hồ nước. Chủ nhân không cắt tỉa, tạo hình mà để cây phát triển một cách tự nhiên.
“Suốt 40 năm nay, gia đình tôi xem cây sanh ấy như là một kỷ vật. Nhiều người khuyên nên bán nhưng gia đình nhất quyết không đồng ý, bởi với tôi cái cây như một chứng nhân của lịch sử nên cần được tôn trọng và bảo vệ”, chủ nhân cây sanh trăm tuổi chia sẻ.
Bao quanh gốc cây già cỗi là chi chít những rễ cây lớn bé vươn dài, ôm chặt đá tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt.
Trải qua thời gian, cây không bị tàn phá mà ngày càng xanh tốt. “Không biết gốc sanh có thật là có giá đến 14 tỷ đồng như dân gian vẫn truyền miệng hay không, nhưng ngoài nét đẹp về hình dáng cây, gốc sanh mà gia đình ông Sự đang sở hữu còn ẩn chứa giá trị về mặt lịch sử, nó gắn liền với nhân vật lịch sử mà nhắc tên ai cũng biết”, một nghệ nhân cây cảnh nói. Từ trên cao, cây sanh được bao bọc xung quanh là những vách tường thành của khu nhà rộng lớn. Theo lời vị chủ nhân của nó thì gốc cây như vô tình đã tạo ra “điểm nhấn” về không gian xanh.