Phong trào biểu tình ở Hong Kong bắt đầu hôm 22/9, với đợt bãi khóa dài một tuần của hàng nghìn sinh viên ở đặc khu hành chính. Họ yêu cầu chính phủ trung ương phải có sự thay đổi trong quá trình bầu cử. Bắc Kinh hồi tháng 8 đề xuất rằng dân chúng có thể tham gia bầu lãnh đạo đặc khu, bắt đầu từ năm 2017, nhưng sẽ thiết lập một ủy ban để rà soát những ứng cử viên và loại ra người không thích hợp.
Hầu hết người tham gia mặc áo đồng phục trắng, đeo ruy băng màu vàng, biểu tượng của phong trào dân chủ, và cầm theo các biểu ngữ. Hàng chục sinh viên hôm 27/9 còn tìm cách đột nhập vào trụ sở chính quyền, buộc cảnh sát chống bạo động Hong Kong phải dùng hơi cay để giải tán.
|
Cảnh sát liên tục bắn đạn hơi cay, khói trắng bốc lên dày đặc tối 28/9. Ảnh: CNN.
|
Tình hình ở Hong Kong lên tới đỉnh điểm hôm 28/9. Occupy Central (Chiếm Trung tâm), phong trào ủng hộ dân chủ, thông báo triển khai chiến dịch bất tuân dân sự sớm hơn dự kiến ba ngày. Hàng chục nghìn người biểu tình sau đó phong tỏa một tuyến phố chính gần trụ sở chính quyền Hong Kong.
Cảnh sát bắt đầu sử dụng hơi cay, dùi cui điện để đối phó với người biểu tình vào cuối chiều cùng ngày. Động thái trên khiến nhiều người dân đặc khu giận dữ và quyết định tham gia vào phong trào của sinh viên. Nhiều hàng rào được dựng lên để ngăn bước tiến của lực lượng an ninh.
Trưởng đặc khu Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh) hôm 29/9 lên tiếng trấn an người dân và bác bỏ các tin đồn cho rằng cảnh sát có thể sử dụng đạn cao su, còn người biểu tình yêu cầu trưởng đặc khu từ chức khi gọi Occupy Central là "phi pháp".
Phong trào biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, đường phố Hong Kong không còn bóng dáng của hơi cay và dùi cui như đêm trước đó, cảnh sát cũng không còn hiện diện nhiều. Người biểu tình ôn hòa thắp sáng phố xá bằng điện thoại trong buổi tối cùng ngày.
Cũng trong ngày 29/9, Trung Quốc đưa ra phản ứng chính thức đầu tiên đối với những sự kiện đang diễn ra ở Hong Kong. Theo đó, Bắc Kinh khẳng định phong trào biểu tình là phi pháp và kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào, dưới bất kỳ hình thức nào, ủng hộ những hoạt động trái pháp luật tại đặc khu này. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng trách nhiệm làm cho mô hình một đất nước hai chế độ hoạt động hiệu quả, thuộc về Hong Kong và Bắc Kinh, và các bên khác sẽ không giúp ích được gì nếu can dự.
Trung Quốc còn cam kết ủng hộ mạnh mẽ và kiên định những biện pháp và chính sách hợp pháp do ông Leung và cảnh sát đặc khu thực hiện khi xử lý biểu tình, đồng thời cảnh báo Hong Kong có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trong khi đó, cả Anh và Mỹ đều bày tỏ sự ủng hộ với cuộc biểu tình đòi dân chủ của người dân Hong Kong.
|
Một người phản đối phong trào Occupy Central (trái) giằng chướng ngại vật từ tay phe biểu tình đòi dân chủ tại quận Mong Kok. Ảnh: Reuters.
|
Ông Leung hôm 2/10 bác bỏ yêu cầu từ chức rồi đề nghị các lãnh đạo biểu tình đàm phán với cấp phó của ông. Đề nghị này vài giờ sau đó được chấp thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng bị phe biểu tình dọa hủy bỏ, sau khi phe phản đối biểu tình xuất hiện và tấn công những người theo phong trào Occupy Central ở khu vực Mong Kok trong tối qua.
Người biểu tình Hong Kong còn cáo buộc cảnh sát đã để mặc cho những kẻ côn đồ thuộc "Hội tam hoàng", một băng đảng xã hội đen, tấn công họ. Tuy nhiên, quan chức cảnh sát cấp cao Kong Man-keung bác bỏ những chỉ trích rằng lực lượng này không nỗ lực ngăn chặn đụng độ và những cáo buộc tiếp tay cho xã hội đen tấn công người biểu tình.
Quy mô người biểu tình đòi dân chủ tại một số khu vực đang giảm dần. Trong khi đó, nhiều người dân Mong Kok cho biết họ đã chán ngấy cuộc biểu tình đòi dân chủ bởi cuộc sống thường ngày bị ảnh hưởng quá nhiều, trong khi cảnh sát không thể giải tán được đám đông.