Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nằm trong nhóm bốn "ông lớn", luôn có mức lợi nhuận khá cao. Lãi sau thuế 2015 của nhà băng đạt 5.314 tỷ đồng, tăng 722 tỷ đồng, tương ứng 15,7% so với 2014.
Song hành với đó, các lãnh đạo của nhà băng này luôn nhận mức lương bạc tỷ. Theo tài liệu phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, Vietcombank cho biết Đại hội đồng cổ đông 2015 đã thông qua mức thù lao đối với Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế, tương đương 18,66 tỷ đồng. Nhưng nếu tính theo quỹ lương đã được cổ đông phê duyệt, trung bình, mỗi lãnh đạo trong Hội đồng quản trị và ban kiểm soát Vietcombank được nhận gần 1,9 tỷ đồng một năm.
|
Nhiều người trong hội đồng quản trị ngân hàng nhận lương bạc tỷ mỗi năm.
|
Sang năm 2016, Vietcombank vẫn đề xuất cổ đông thông qua mức thù lao đối với Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế (năm nay kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với 2015 nên tính ra số thù lao hội động quản trị nhận cũng sẽ cao hơn).
Còn tại Maritime Bank, năm 2015 mức thù lao và chi phí dành cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát lên tới 17,6 tỷ đồng. Nếu chia bình quân cho 8 người thì mỗi người nhận được trung bình 2,2 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến mức thù lao cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát có sụt nhẹ nhưng vẫn ở mức tương đối cao so với các ngân hàng khác, dao động 16 tỷ đồng.
Với OCB, thù lao dành cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2016 cũng được thông qua với mức 8,2 tỷ đồng (năm 2015 được đại hội cổ đông thông qua 8,2 tỷ đồng nhưng thực chi chỉ 6,19 tỷ đồng). Với số thành viên trong Hội đồng quản trị và ban kiểm soát hiện tại là 8 người, tính ra mỗi người sẽ nhận khoảng hơn một tỷ đồng trong năm 2016.
Và trong đại hội cổ đông thường niên vừa mới diễn ra, thù lao của Hội đồng quản trị ACB cũng được thông qua là 6,9 tỷ đồng (năm ngoái là 5,995 tỷ đồng) tức tăng gần 15% so với 2015. Với số thành viên trong Hội đồng quản trị gồm 9 người, tính ra mỗi người nhận khoảng 767 triệu đồng một năm. Với mức thu nhập trên, một số cổ đông trong cuộc họp thường niên của nhà băng cho rằng thù lao như vậy là cao và mong muốn không nên tăng thêm.
Trước vấn đề này, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch ACB chia sẻ, mức thù lao đề xuất cho năm 2016 tính ra chỉ bằng một nửa so với thời điểm 2012 (khoảng 14,3 tỷ đồng), và việc tăng này là nhằm để tăng năng lực lãnh đạo của ban quản trị trước bối cảnh kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cổ phần phía Nam giải thích thêm, thật ra khoản thù lao được trả cho Hội đồng quản trị không phải như lương hàng tháng mà bao gồm nhiều khoản như công tác phí, các chi phí khác không phải cho cá nhân.
Thành viên trong hội đồng quản trị của ngân hàng cổ phần quy mô lớn khác cũng bộc bạch, môi trường kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, trách nhiệm và khối lượng quản trị, điều hành sẽ ngày một gia tăng, đặc biệt là với Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Vì thế, mức độ chi trả thù lao phải tương ứng với công sức bỏ ra.
Chia sẻ câu chuyện này, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mức lương "khủng" dành cho ban quản trị ngành ngân hàng là thỏa đáng. Vì hiện nay, trong bối cảnh kinh tế khắc nghiệt, vai trò của Hội đồng quản trị là rất quan trọng. Những người làm công tác quản trị không đơn thuần là các ông chủ sở hữu nhiều cổ phần, mà họ là những người đòi hỏi có trình độ, quản lý cao. "Do đó, mức thu nhập này thể hiện đúng bản chất của thị trường, làm nhiều, trách nhiệm cao thì phải có thù lao cao", ông nói