Sản phẩm
Tin tức

Review OnePlus One: Ngon, bổ, rẻ

Ngày: 31/10/2014

Nếu bỏ qua vấn đề thương hiệu (người dùng Việt vẫn có ấn tượng không tốt với các tên tuổi đến từ Trung Quốc, nhất là khi OnePlus lại quá mới và chưa có mặt chính thức ở Việt Nam) thì có thể nói OnePlus One là chiếc điện thoại thông minh đáng mua nhất hiện nay

Bạn là một người khó tính khi lựa chọn điện thoại thông minh Android? Bạn muốn thiết bị của mình phải sở hữu những thông số kỹ thuật thuộc loại đầu bảng hiện nay, như chip Snapdragon 801, camera quay được phim 4K, hay màn hình lớn độ phân giải cao Full HD? Nhưng khi đến phần giá bán thì bạn lại e dè không muốn móc ra số tiền quá 6 con số 0? Vậy thì bạn khó có thể bỏ qua bài đánh giá này, với sản phẩm One của hãng OnePlus. Tên tuổi mới nổi đến từ Trung Quốc đã gây sốc cho thị trường di động thông minh thế giới trong năm 2014 với việc ra mắt sản phẩm điện thoại One chạy Android cấu hình rất mạnh nhưng lại có mức giá bán tốt đến khó tin. Lấy ví dụ, giá niêm yết trên website của OnePlus One cho thị trường Mỹ là 350 USD cho bản 64GB, trong khi hầu hết các sản phẩm khác cùng phân cấp đều có giá trên 500 USD. Với mức giá cực kỳ dễ chịu như thế, nhiều người sẽ tự hỏi: "Rẻ quá, liệu có tiền nào của nấy không đây?". Mời các bạn cùng tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên trong bài viết dưới đây.

Thiết kế phần cứng

 

1.

Xưa nay, mỗi khi nhắc đến các sản phẩm điện thoại đến từ Trung Quốc, đặc biệt là giá rẻ, thì nhận định ban đầu của mình thường sẽ là "thiết kế xấu và chất lượng thấp". Điều này cũng dễ hiểu, vì người tiêu dùng Việt Nam đã tiếp xúc quá nhiều với các sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, OnePlus One đã làm mình phải thay đổi suy nghĩ!

Cầm máy trên tay lần đầu tiên, nếu không biết trước thì mình thật sự khó có thể tin chiếc điện thoại này lại có giá chỉ chưa đến 8 triệu đồng. Máy có thiết kế đẹp, theo phong cách đơn giản, tức là hạn chế tối đa các chi tiết cầu kỳ trên thân máy. Thiết kế của OnePlus One tạo cho mình cảm giác nhìn mượt mà khá dễ chịu, không bị rối mắt. Chất liệu chủ đạo là nhựa polycarbonate, nhưng không hề cho cảm giác ọp ẹp, rẻ tiền, mà trái lại, mọi thứ đều rất cứng cáp, chắc chắn. Mình đã từng có một trải nghiệm trên tay tương tự như thế này với sản phẩm Oppo Find 7, cũng là một tên tuổi từ Trung Quốc, nhưng sản phẩm của Oppo không có mức giá tốt như OnePlus One.

Mặt trước của OnePlus One gần như phẳng hoàn toàn, với một màn hình cảm ứng lớn chiếm trọn diện tích, và chạy quanh nó là một viền kim loại ma nhê màu bạc được đặt thấp hơn một chút tạo độ tương phản về thẩm mỹ tốt. Màn hình của One lớn, với kích thước 5,5" - khiến cho nó được xếp vào hàng phablet, và độ phân giải Full HD (mật độ điểm ảnh 401ppi). Kích thước vật lý của OnePlus One (152,9 x 75,9 x 8,9 mm) lớn hơn một số sản phẩm cùng phân khúc như LG G3 hay Samsung Note 3 một phần là do viền màn hình không thật sự mỏng của máy, đặc biệt là cạnh trên và dưới. Mặc dù độ dày này không ảnh hưởng gì đáng kể đến trải nghiệm sử dụng, mình vẫn thích OnePlus thu gọn diện tích viền màn hình trên dưới xuống một chút. Ở cạnh trên ta có camera phụ 5mp, loa thoại, các cảm biến và đèn thông báo trạng thái. Cạnh dưới là vị trí đặt 3 phím cảm ứng chuyên dụng của Android là menu/đa nhiệm, home và quay lại. OnePlus cho phép bạn tùy chỉnh sử dụng 3 phím cảm ứng này, hoặc chuyển chúng lên phím ảo trên màn hình. Có một vấn đề mình gặp phải với 3 phím cảm ứng của One là đèn nền rất yếu, ngay cả khi chỉnh tối đa độ sáng. Khi sử dụng máy ngoài trời nắng, hầu hết mình đều phải dựa vào cảm giác để bấm phím, vì thật sự rất khó thấy vị trí chính xác của các phím trên. Hi vọng đây chỉ là vấn đề phần mềm, và OnePlus sớm đưa ra phương án khắc phục.

Mặt sau của One là nơi mình thích nhất. Nó đẹp hài hòa, không hề có một chi tiết thừa hay rối rắm nào cả. Chính giữa phía trên ta có camera chính độ phân giải 13mp cùng đèn flash LED kép, cạnh đó là một mic chống ồn. Toàn bộ cụm camera và flash được đặt trong một cái bệ nhô hẳn ra khỏi bề mặt, có lẽ là phục vụ cho công tác bảo vệ ống kính. Bên dưới đó ta có logo OnePlus, gọn và đơn giản. Di chuyển sâu xuống phía dưới là một vài thông tin được in bằng tiếng Trung, do đây là bản cho thị trường Trung Quốc. Phiên bản mình có trên tay là màu trắng Silk White khá trơn và bám vân tay. Bản màu đen Sandstone Black có bề mặt nhám giúp tăng độ bám và chống vân tay khá tốt. Thiết kế mặt sau của One là loại không tháo nắp lưng thay pin được, tuy nhiên OnePlus vẫn bán ra một số mẫu vỏ mặt sau với nhiều thiết kế khác nhau để bạn có thể chủ động thay đổi tùy thích.

Cạnh trái máy là vị trí của khe microSIM và phím tăng giảm âm lượng, trong khi đó cạnh phải chỉ có duy nhất phím nguồn. Như vậy là OnePlus One không được trang bị khe cắm thẻ nhớ ngoài, bạn buộc lòng phải sử dụng bộ nhớ trong, và OnePlus cung cấp cho bạn 2 lựa chọn là 16GB và 64GB. Cạnh trên ta có cổng tai nghe 3,5mm và mic chống ồn thứ 2, còn cạnh dưới là nơi để cổng sạc microUSB và loa ngoài. OnePlus được trang bị 2 loa, nhưng đều nằm ở cạnh dưới, và mình không thích thiết kế loa như vậy vì khi nghe nhạc hay xem phim, âm thanh bị bạt ra cạnh bên, và bạn phải lấy tay che lại nếu muốn âm thanh hướng nhiều hơn về phía bạn. Âm lượng loa ngoài của One lớn và trong, ngoại trừ vị trí đặt loa chưa thật sự tối ưu thì mình hài lòng về chất lượng âm thanh loa ngoài của One.

Thử độ bền (bất đắc dĩ)
Mượn One được vài ngày thì trong một lần bất cẩn, mình làm rớt máy khỏi túi áo khoác xuống mặt đường bê tông. Rất may là màn hình không bị vỡ, và mọi chức năng (cho đến giờ) vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể nhìn thấy thương tích khá nặng ở viền nhôm cạnh dưới. Mình vốn không thích dùng case bảo vệ, vì chúng làm mất tính thẩm mỹ của máy, nên bây giờ đành phải "sống chung với lũ" vậy.

Màn hình hiển thị

2.

Vì là một chiếc điện thoại thông minh giá rẻ nên có thể nhiều người sẽ thắc mắc "màn hình hiển thị của OnePlus One có bèo bọt như các sản phẩm cấp thấp không nhỉ?" Nếu như bạn cũng có cùng suy nghĩ đó thì mình có thể nói ngay là bạn hoàn toàn yên tâm với chất lượng màn hình của One. Hãng sản xuất trang bị cho máy một màn hình IPS LCD do Liên minh màn hình Nhật Bản (JDI) sản xuất, có kích thước 5.5" và độ phân giải Full HD 1080p. Tính toán mật độ điểm ảnh chúng ta có con số 401ppi, không bằng các sản phẩm màn hình 2K nổi tiếng hiện nay như Oppo Find 7 hay LG G3, nhưng vẫn đảm bảo được độ nét tốt khi hiển thị. Màn hình của One cho màu sắc trung thực và tươi tắn, góc nhìn tốt, song hơi khó nhìn một chút dưới trời nắng gắt. Ở chế độ mặc định, màn hình của One khi đặt cạnh Lumia 1520 và Xperia Z2 (đều có màn hình IPS LCD) cho màu sắc hơi nhạt hơn một chút, nhưng không bị tái. Nếu chưa hài lòng, hệ điều hành cho phép bạn tùy chỉnh theo ý muốn các thông số hiển thị màu sắc như màu thuần (HUE), độ no màu, độ tương phản và cường độ màu. Nhìn chung, mình khá hài lòng với trải nghiệm màn hình trên OnePlus One, đặc biệt là khi duyệt hình hay xem phim.

Một số người dùng One đợt đầu có phản ánh là màn hình máy họ bị vàng, và họ tìm ra được lỗi thuộc về phần cứng, do keo dán các lớp của màn hình chưa kịp khô (trong khi OnePlus trả lời đây là lỗi phần mềm). Máy mình dùng, cũng như 2 chiếc tiếp theo các bạn mình mua, đều không gặp hiện tượng này. Có thể là OnePlus đã khắc phục được khâu sản xuất để không còn xảy ra tình trạng trên nữa.

Camera

3.

OnePlus trang bị cho One phần cứng camera không thua kém bất kỳ sản phẩm di động cao cấp nào trên thị trường. Camera chính độ phân giải 13MP sử dụng cảm biến Exmor IMX 214 6 thấu kính do Sony sản xuất, độ mở khẩu f/2.0 cùng đèn flash LED kép. Tuy nhiên, máy không có hệ thống chống rung quang học (OIS), vốn đang rất được ưa chuộng trên các sản phẩm điện thoại di động hiện nay. Một điểm đáng chú ý là camera trước của One có độ phân giải 5MP, ngang ngửa với HTC One M8 và chỉ thua chiếc HTC Desire 820 mới ra mắt.

Mở ứng dụng chụp hình của OnePlus One, chúng ta bắt gặp một thiết kế đơn giản và trực quan. Sẽ không có những dãy phím chức năng chạy dọc màn hình, hay là các lớp menu lựa chọn chế độ chồng chéo lên nhau, mà thay vào đó là 2 cụm phím chức năng cơ bản được bố trí gọn gàng ở cạnh dưới và cạnh phải màn hình. Ở phía dưới ta có phím chụp hình và quay phim được tách riêng, cùng với phím chụp panorama. Bên cạnh phải là 4 phím chức năng, bao gồm đổi camera chính/phụ, bật tắt đèn flash, tùy chỉnh chế độ chụp/thông số kỹ thuật, và thiết lập hệ thống. Nếu thường xuyên chụp hình ở chế độ tùy chỉnh tay, bạn có thể nhận ra ngay giao diện cũng như khả năng tùy biến thông số kỹ thuật của OnePlus One không được tốt như trên các máy Lumia hay HTC One M8. Máy cho phép bạn thay đổi độ bù sáng, cân bằng trắng, cũng như độ nhạy sáng ISO, song 3 thông số này lại được bỏ vào các menu khác nhau, không thân thiện cho lắm. Bù lại, OnePlus, hay nói đúng hơn là phiên bản CM11, cung cấp cho bạn một loạt các chế độ chụp rất phong phú như HDR, thể thao, ngược sáng, chụp ánh nến.... Tổng cộng có 30 chế độ chụp khác nhau cho bạn thỏa sức sáng tạo, và để thay đổi qua lại giữa các chế độ, bạn chỉ việc vuốt lên xuống trên màn hình camera. Camera chính của One có độ phân giải 13MP, tuy nhiên mặc định máy sẽ để ở độ phân giải 9.7MP với tỷ lệ 16:9. Nếu muốn có được độ nét tối đa cho hình chụp, bạn buộc phải sử dụng tỷ lệ 4:3.

Ảnh chụp từ OnePlus One đem lại cho mình một cảm xúc khá lẫn lộn. Có thể nói như thế này: Ảnh chụp ở điều kiện đủ sáng của One không hề thua kém những máy cao cấp sở hữu camera tốt như LG G3 hay Xperia Z2. Màu sắc hài hòa, vừa mắt, không bị ảo nhưng cũng không tái hay bệt màu, độ chi tiết tốt. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường thiếu sáng thì camera của OnePlus One bắt đầu gặp khó khăn ở một số bối cảnh chụp. Hiện tượng nhiễu xuất hiện, ảnh mất chi tiết, và do không có OIS nên khi chụp hình ở điều kiện này bạn cần phải giữ chắc tay nếu không muốn hình bị rung nhoè. Chế độ chụp ban đêm của One chưa thật sự hiệu quả, ảnh ra vẫn khá tối. Cặp đèn flash LED phát huy hiệu quả khá tốt, ánh sáng đánh đều và trắng, tuy nhiên khi chụp người thì vẫn còn hiện tượng cháy da do đây không phải là flash 2 màu như trên iPhone 5S hay HTC One M8. Camera phụ độ phân giải 5MP cũng đem lại cho mình những tấm hình chụp tự sướng chất lượng tốt ở điều kiện đủ sáng.

Mình rất hay quay phim trên điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ với bạn bè, vì thế chất lượng quay phim cũng là một yếu tố quan trọng khi mình chọn mua máy. Với OnePlus One, bạn có thể quay phim với độ phân giải tối đa là 4K, sánh ngang với những mẫu smartphone đầu bảng như LG G3 hay Oppo Find 7. Có 2 chế độ phim 4K cho bạn chọn là 4K DCI (tỷ lệ 17:9) và 4K UHD (tỷ lệ 16:9 - phổ biến hơn). Nhìn chung, mình đánh giá tốt phim quay từ One, chất lượng ổn định từ điều kiện đủ sáng cho đến thiếu sáng. Âm thanh của phim ổn, nhờ vào 3 mic bố trí quanh thân máy. Bạn có thể tham khảo một số đoạn phim quay thử với OnePlus One trong clip đánh giá ở trên.
IMG_20140821_124342.IMG_20140821_134236.IMG_20140821_134606.IMG_20140821_134801.IMG_20140821_135246.IMG_20140828_142057.IMG_20140915_135042.IMG_20140903_131748.IMG_20140915_135016.IMG_20140915_135112.IMG_20140915_174400.IMG_20140915_173749.IMG_20140823_171343.IMG_20140823_174529.IMG_20140901_180420.IMG_20140901_180110.IMG_20140902_212254.IMG_20140915_200117.IMG_20140915_205152.IMG_20140902_010221.IMG_20140908_214544.

Hệ điều hành và giao diện người dùng

4.

Tùy vào thị trường mà chiếc OnePlus One của bạn sẽ chạy những phiên bản hệ điều hành khác nhau. Chiếc máy mình có ở đây được xách tay từ thị trường Trung Quốc, cho nên máy được cài sẵn Color OS khi mở hộp. Ngay khi nhận được máy, anh bạn mình đã bỏ ngay Color OS và thay bằng CyanogenMod phiên bản 11S (CM11S) - đây cũng là phiên bản hệ điều hành chính thức cho tất cả máy One bán ra thị trường quốc tế. Vì thế, trong 2 tuần vừa qua, mình đã giữ luôn bản ROM này để trải nghiệm và đánh giá.

Cái tên CyanogenMod hẳn không còn xa lạ với các bạn, nó được xem là bản ROM Android bên thứ 3 (không thuộc OEMs) nổi tiếng nhất, do hiệu năng hoạt động ổn định, giao diện rất gần với Android gốc nhưng lại được tích hợp nhiều tính năng hữu ích. Bản CM11S của One dựa trên nền Android Kit Kat 4.4.4, và mặc dù rất gần với giao diện gốc, nhà phát triển Cyanogen Inc vẫn có những tinh chỉnh đặc trưng để đảm bảo giao diện của máy "đóng mác" CM.

Các bạn có thể bắt gặp một số tính năng thú vị ngay từ màn hình khoá và khi máy ở chế độ chờ (standby). Đó là các cử chỉ giúp bạn truy cập nhanh vào một số phần mềm thường dùng như camera hay đèn pin. Cầm máy lên, thay vì phải mở khoá màn hình rồi nhấp chọn vào biểu tượng ứng dụng, ví dụ như đèn pin chẳng hạn, bạn chỉ việc vẽ một chữ V lớn lên màn hình chờ là đèn flash sẽ sáng. Nếu muốn kích hoạt camera, bạn làm tương tự với một chữ O, rất tiện lợi. Mình thích ý tưởng này, tuy nhiên, hiện tại tính năng vẽ chữ V hoạt động chưa thật sự ổn định. Ở một số trường hợp màn hình không nhận lệnh, song khi khác thì lại quá nhạy, ví dụ như có vài lần đèn flash tự động sáng khi mình bỏ máy trong túi quần. Còn một cách nữa để kích hoạt nhanh camera trên One là vuốt từ phải qua tại màn hình khoá. Bạn nào không muốn phím nguồn bị lờn thì hãy yên chí, vì tính năng nhấp đúp mở màn hình cũng có mặt trong bản ROM này, và nó hoạt động hiệu quả.

Sự chăm chút đến trải nghiệm người dùng của bản ROM CM11S có thể được thấy qua những điểm như lựa chọn tăng giảm nhanh độ sáng màn hình bằng cách vuốt qua lại trên thanh thông báo, hay tuỳ chỉnh sử dụng 3 phím Android vật lý hoặc ảo như đã nói ở mục phần cứng. Ở màn hình Home, ngoài lựa chọn thay đổi hình nền, thêm bớt widget như các máy khác thì bạn có thêm một mục thiết lập cho màn hình Home và cửa sổ ứng dụng. Phần này cho phép bạn tuỳ biến nhiều chức năng như thay đổi số lượng biểu tượng ứng dụng hiển thị trên màn hình Home, thay đổi hiệu ứng chuyển giữa các màn hình Home/cửa sổ ứng dụng hay tuỳ chọn hiện/ẩn tên biểu tượng ứng dụng. Những thiết lập này thường không được tích hợp sẵn trên các máy Android (cả gốc lẫn OEMs) và bạn phải cài thêm một ứng dụng Launcher bên thứ 3 để sử dụng chúng.

Có 2 tính năng bảo mật khá độc đáo trên OnePlus One, hay nói đúng hơn là bản ROM CM11S, là Privacy Guard và WhisperPush. Với Privacy Guard, bạn có toàn quyền cấp phép cho ứng dụng nào được truy cập những dữ liệu cá nhân của bạn, rất hữu ích giữ bối cảnh việc rò rỉ thông tin cá nhân nhạy cảm trên di động đang rất "hot" hiện nay. WhisperPush cho phép bạn mã hoá tin nhắn SMS trước khi gửi đi để tăng độ bảo mật, tuy nhiên mức độ tiện dụng chưa thật sự cao do hiện tại WhisperPush chỉ hoạt động trên các máy chạy CM.

Giao diện người dùng của OnePlus One được thiết kế đơn giản, mang nhiều hơi hướng của phiên bản Android 5.0 Lemon Meringue Pie (trước đây Google gọi là Android L) sắp ra mắt. Không còn những biểu tượng nổi 3D bắt mắt, mà thay vào đó là một môi trường phẳng gần như hoàn toàn. Mỗi icon được đóng khung vuông vức trong một mảng màu đơn sắc, tất cả góp phần tạo cho giao diện một cảm giác nhẹ nhàng và thanh thoát. Cá nhân mình thích triết lý phẳng mới của Android, tuy nhiên nó có thể không thật sự bắt mắt với những bạn ưa thích sự sống động, rực rỡ.

Hiệu năng hoạt động và thời lượng pin
Bạn có một bản ROM "sạch" và mượt mà của CM, chạy trên một phần cứng cao cấp, gồm chip xử lý Snapdragon 801 MSM8974AC xung nhịp 2.5GHz (nhân đồ hoạ Adreno 330) cùng 3GB RAM. Vì thế, không có gì quá ngạc nhiên khi chiếc OnePlus One của bạn hoạt động trơn tru, ngay cả khi thực hiện những tác vụ nặng. Nói như thế không có nghĩa là hiệu năng của One hoàn hảo. Đôi lúc, bạn có thể sẽ gặp phải một hai khoảnh khắc chuyển động bị giật nhẹ khi ra vào các cửa sổ hay qua lại giữa các ứng dụng, song nó không ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của người dùng. Mình là người khá khó tính về hiệu năng hoạt động, vì không có gì khó chịu hơn việc mua 1 chiếc máy cao cấp nhưng máy lại giật lag suốt ngày và có độ trễ cao. Thế nên, với One mình càng "soi" kỹ hơn do là sản phẩm giá rẻ, và mình có thể nói rằng mình hài lòng với hiệu năng của máy.

Thời lượng pin cũng là một yếu tố rất được các bạn yêu công nghệ quan tâm, do chẳng ai muốn chiếc smartphone của mình cứ 7 đến 10 tiếng lại..."giãy chết" một lần cả. Trong 2 tuần qua, mình sử dụng One với cường độ như sau: độ sáng màn hình 80% (không để auto), WiFi và 3G gần như luôn mở (chỉ tắt mấy tiếng ban đêm), gọi điện và nhắn tin SMS bình thường, nhắn tin, duyệt FB và lướt web thường xuyên, chơi game online rải rác độ 1h30p đến 2h, nghe nhạc (qua 3G) tầm 2h, quay phim chụp ảnh tương đối mỗi ngày để thử camera. Viên pin 3.100mAh của One cho phép mình dùng máy thoải mái từ 7h sáng (rút sạc đi làm) đến 10h tối, lúc đó máy còn khoảng 30%. Đối với mình như vậy là ổn, vì điều quan trọng nhất là điện thoại phải sống trọn vẹn 12 tiếng làm việc, và One đã làm được điều đó. Thời gian sạc của One cũng khá nhanh, độ 2 tiếng với cục sạc và dây sạc zin. Mình cũng muốn so sánh 1 chút ở đây. Mình đang dùng Sony Xperia Z2 trước khi đổi sang OnePlus One, và mình có cảm giác là pin của One xuống nhanh hơn Z2 một chút trong cùng điều kiện sử dụng (cấu hình One và Z2 khá tương đương), có thể là do độ chênh lệch màn hình 0,3" và viên pin bé hơn 100mAh của One chăng.

Tổng kết
Điểm mạnh:
  • Giá rất tốt
  • Phần cứng mạnh mẽ, chất lượng build tốt
  • Phần mềm CyanogenMod nhiều tính năng, được hỗ trợ tốt
  • Giao diện người dùng nhẹ nhàng, mượt mà
Điểm yếu:
  • Vị trí loa ngoài chưa tối ưu
  • Không hỗ trợ thẻ nhớ ngoài
  • Một số tính năng của bản ROM hoạt động chưa thật sự ổn định
Nếu bỏ qua vấn đề thương hiệu (người dùng Việt vẫn có ấn tượng không tốt với các tên tuổi đến từ Trung Quốc, nhất là khi OnePlus lại quá mới và chưa có mặt chính thức ở Việt Nam) thì có thể nói OnePlus One là chiếc điện thoại thông minh đáng mua nhất hiện nay! Tại sao ư? Với mức giá chỉ ngang một chiếc máy trung cấp, bạn sẽ sở hữu một chiếc phablet kích thước hợp lý, cấu hình phần cứng cao cấp, phần mềm cập nhật mới với nhiều tính năng hữu ích. Việc sử dụng bản ROM CyanogenMod thật sự là một lợi thế của One, vì bạn sẽ luôn được cập nhật phiên bản Android mới nhất một cách nhanh chóng, và với cấu hình mạnh như thế, OnePlus One chắc hẳn sẽ còn được hỗ trợ nhiều bản ROM nữa trong tương lai.

 

CÔNG TY TNHH SX TM XD QUANG THUẬN

Địa chỉ: B7/160 Nguyễn Cửu Phú, Phường Tân Tạo  A, Quận Bình Tân, Tp.HCM

Điện Thoại  : 0909.627.292 - 0942.627.292 - 0858.627.292

Email: quato@quato.com.vn  -   Website: www.quato.com.vn                                                                                       Copyright © 2014 Quang Thuan Co., Ltd.All right reserved

 

Developed by visolution.vn
  • Facebook
  • Twitter
  • Zalo
  • skype