|
Số người biểu tình hôm nay lên đến hàng chục nghìn, họ thắp sáng bằng điện thoại di động. Ảnh: AP.
|
"Ông Leung Chun-ying (Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh) phải từ chức. Nếu ông ta không thực hiện điều này vào ngày mai chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động như chiếm giữ một vài tòa nhà quan trọng của chính quyền", AP dẫn lời Lester Shum, lãnh đạo nhóm sinh viên biểu tình nói.
Shum cho biết không có cơ hội để đối thoại với ông Leung vì ông ta đã yêu cầu cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình cuối tuần qua. Nhưng các sinh viên lại mong có cơ hội nói chuyện với các quan chức chính quyền trung ương Trung Quốc.
"Chúng tôi yêu cầu họ tới quảng trường và nói chuyện với đám đông. Đây là phong trào của những người Hong Kong và không bị dẫn dắt bởi bất kỳ một nhóm nào", Lester Shum cho hay.
Số người tham gia biểu tình hôm nay tăng lên hàng chục nghìn với nhiều thành phần, gồm cả nhiều gia đình với trẻ em, thanh niên, sinh viên, người nghỉ hưu và người nước ngoài. Nhiều người tụ tập ở đường cao tốc trước các trụ sở chính quyền ở khu vực Admiralty, những người khác tập trung ở các khu Causeway Bay và Mong Kok. Mọi người chuẩn bị sẵn lương thực, ô dù, áo mưa và áo nhựa, các dụng cụ chống lại hơi cay của cảnh sát tuần trước.
"Tôi tới đây để ủng hộ phong trào. Tôi hy vọng sẽ có cuộc cải cách về dân chủ, thay vì sử dụng cơ cấu hiện nay", Pierre Wong, 36 tuổi, một kỹ thuật viên IT nói.
Tuy nhiên trong bài phát biểu kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc hôm nay, ông Leung Chun-ying nói với các cử tri rằng tốt hơn là đồng ý với kế hoạch của Bắc Kinh về việc đề xuất các ứng cử viên và tổ chức một cuộc bầu cử, thay vì duy trì hệ thống hiện tại, trong đó Ủy ban Bầu cử chọn trưởng đặc khu.
Trước đó, khi Lễ thượng cờ diễn ra nhằm đánh dấu ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, hàng trăm người Hong Kong hét vang, đòi ông Leung từ chức, họ biểu tình trong im lặng, quay lưng lại khi buổi lễ bắt đầu.
Các cuộc biểu tình của người dân Hong Kong đang thu hút sự chú ý của thế giới, khi Thủ tướng Anh David Cameron nói ông dự định triệu đại sứ Trung Quốc để thảo luận về tranh chấp. Ông cho rằng điều thiết yếu là người Hong Kong thực sự có quyền lựa chọn người đứng đầu đặc khu này. Nhà Trắng hôm nay cũng ra tuyên bố đáp lại lời thỉnh cầu trên trang web, thu hút khoảng 200.000 chữ ký. Lời thỉnh cầu đề nghị Mỹ "gây sức ép lênh chính phủ Trung Quốc nhằm tôn trọng lời hứa đối với một cuộc bầu cử dân chủ cho toàn thể công dân Hong Kong".
Phong trào biểu tình ở Hong Kong bắt đầu một tuần trước bằng hoạt động bãi khóa của các sinh viên đại học và cao đẳng để yêu cầu cải cách bộ máy lập pháp địa phương và phản đối việc Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền đặc khu dự kiến diễn ra năm 2017