Sàn vàng ảo, “chết” thật
Sự việc sàn vàng Đỉnh Phong (Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Đỉnh Phong, tại số nhà 22-24 đường Phước Hưng, quận 5, TP.HCM) bỗng dưng ngừng hoạt động, toàn bộ dữ liệu như thông tin tài khoản, các lệnh đang giao dịch, lịch sử giao dịch... bị xóa trắng hồi tháng 8/2012 khiến cả trăm nhà đầu tư đứng trước nguy cơ mất trắng cả chục tỷ đồng.
Một cặp vợ chồng nhà đầu tư ở Bình Thạnh, TP.HCM năm 2013 mất tới nửa tỷ đồng vì buôn vàng ảo, mà người vợ lại là nhân viên của chính công ty có sàn vàng đó. Công ty này, đã dụ dỗ khách hàng bỏ số tiền khá lớn để mở hợp đồng giao dịch, nhưng hầu hết người chơi đều bị "cháy" tài khoản (mất hết tiền). Người chồng cũng nổi lòng tham, mở nhiều tài khoản với số tiền mỗi lúc một lớn, 100 rồi 500 triệu, và... mất trắng.
|
Nhiều sàn vàng sẵn sàng cho người chơi vay tiền với thủ tục hết sức đơn giản, chỉ cần photo giấy nhà đất, xe hơi, hộ khẩu... và "xui" khách tiếp tục chơi để lấy lại được tiền đã mất (ảnh TT)
|
Trước đó, ngày 27/9/2012, bà Vũ Thị Thuận ở TP. Hạ Long, Quảng Ninh đã tố cáo Công ty CP Golden Star (địa chỉ 55 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt của bà số tiền gần 25 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng mua bán hàng hóa, thực chất là mua bán vàng qua mạng với Golden Star, ngày 5/11/2010, bà đã chuyển vào tài khoản công ty này số tiền gần 25 tỷ đồng. Đến ngày 13/4/2012, khi bà cần rút tiền ra thì phát hiện công ty đã đóng cửa.
Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Việt Tín, do Phạm Ngọc Vân (sinh năm 1983, trú quận Phú Nhuận, TP.HCM) thành lập từ tháng 2/2006 và làm giám đốc, có mở sàn giao dịch vàng, ngoại tệ quốc tế. Một số nhà đầu tư đã mở tài khoản và nộp tiền mặt, tối thiểu là 2.000 USD cho Việt Tín, để được nhận lại tài khoản giao dịch và mật khẩu.
Thế nhưng, tay giám đốc đã giữ lại toàn bộ số tiền khách hàng ký quỹ và tham gia giao dịch vàng, ngoại tệ để chi tiêu cho mình. Ít nhất 3 “nhà đầu tư” đang sở hữu tài khoản có số tiền từ 70.000-100.000 USD, đột ngột bị “đánh sập” không rõ lý do. Phạm Ngọc Vân sau đó bị truy tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 8 bị hại, chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng...
Mới đây nhất, ngày 26/9/2014, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư VGX - Vũ Đức Hiếu và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - kế toán trưởng của công ty này đã bị bắt khẩn cấp vì có hành vi kinh doanh trái phép sàn vàng ảo. Khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản tại công ty trên với tổng số tiền giao dịch lên tới hơn 110 tỷ đồng.
Chỉ 5 ngày sau, ngày 1/10, Công ty TNHH Khải Thái bị khám xét, điều tra. Công ty này đã huy động được khoảng 2.000 tài khoản ủy thác đầu tư, với số tiền trên 200 tỷ đồng. Theo ước tính, mỗi tháng thu gom được khoảng 20 tỷ đồng. Số tiền trên hầu hết đều được chuyển ra nước ngoài.
Các chiêu trò đốt tiền nhà đầu tư
Theo số liệu từ Bộ Công an, trên mạng Internet hiện vẫn tồn tại khoảng 30-40 đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản. Các sàn vàng ảo tại Việt Nam thường núp bóng một công ty hay DN có giấy phép kinh doanh tư vấn hoặc môi giới tài chính, vàng bạc, song chủ yếu làm đại lý cấp 1, cấp 2... cho các sàn vàng thế giới.
|
Sàn vàng ảo, hay canh bạc đỏ đen khiến các nhà đầu tư mê mẩn
|
Tuy nhiên, sàn vàng ảo chính là ổ cờ gian bạc lận. Họ sẽ “xẻ thịt” con bạc bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn. Một thống kê cho thấy thực tế phũ phàng: 95% nhà đầu tư bị thua lỗ nặng. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã bốc hơi trong các sàn vàng ảo.
Trên trang web của một sàn vàng đã vạch ra những mánh khóe, chiêu trò trò gian lận để đốt tiền người chơi.
Kỹ thuật "quét stop loss". Khi thấy có nhiều nhà đầu tư đặt lệnh mua/bán ở một giá nào đó, phần mềm giao dịch của công ty chỉ tích tắc trong vòng một phần trăm của giây, đưa giá vàng về vị trí đó để bán/mua, rồi nhanh chóng đưa về giá vàng của thế giới hiện tại. Và như vậy, hàng trăm lệnh mua bán của nhà đầu tư đã bị "giết chết" một cách oan ức. Con số 100 người đánh vàng chỉ 1 người thắng, 99 người thua là điều không chối cãi.
Có người dày dạn kinh nghiệm, biết canh lúc sàn chơi trò quét stop loss, đã dồn toàn bộ tiền đánh "full" tài khoản ở giá mà sàn đang giở trò ăn gian. Và như thế là gậy ông đập lưng ông, nếu lệnh đánh vài chục lot và ra đi vài chục USD/ounce, thì vỡ sàn là rất dễ xảy ra nếu chủ sàn yếu vốn.
Ngoài ra là chiêu cũ mèm, nhiều nhà đầu tư đã cảnh giác chụp lại màn hình rồi nhưng vẫn “bó tay”, không cãi nổi, chỉ biết khóc ròng. Đó là chủ sàn sẽ cho treo mạng, tắt phần mềm giao dịch, và thông báo là "đường truyền kém", “đứt mạng”, "máy chủ hư"! Trường hợp sàn vàng Đỉnh Phong ở trên là ví dụ điển hình.
Trong khi, các hợp đồng của các sàn vàng đều có điều khoản buộc khách hàng phải chấp nhận các rủi ro, trong đó kể cả phần hỏng hóc kỹ thuật, tức lỗi thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, theo đúc kết của nhiều nạn nhân, sàn vàng chui V.N thường sử dụng 3 mánh: đầu tiên là thu phí giao dịch khoảng vài chục USD/lần rút tiền; tiếp đến là việc “làm giá” vàng ở khâu mua vào, bán ra, chỉ cần kê giá lên một chút là ra cục tiền; cuối cùng là các chủ sàn kiểu này sẵn sàng ôm lệnh của nhà đầu tư, có nghĩa là làm nhà cái.
Nhiều nhà đầu tư tưởng mình chơi vàng là giao dịch với thế giới, song thực chất, họ đều phải chịu sự giám sát trên hệ thống máy chủ của chủ sàn. Khi cần thiết, chủ sàn còn chơi xấu, xóa hể dữ liệu lưu trữ, khi có sự cố nhà đầu tư đừng hòng có bằng chứng bắt đền.