Đánh giá iPad Air 2: vẫn là tablet xuất sắc nhất
Ngày: 01/11/2014
Đây có lẽ là sản phẩm máy tính bảng nhanh nhất mạnh nhất , màn hình tuyệt vời nhất ở thời điểm hiện tại
Đánh giá iPad luôn vừa rất dễ lại vừa rất khó. Dễ là vì nó luôn được đánh giá cao nhất dù đã trải qua tới thế hệ thứ 6 nhưng khó là vì iPad không có quá nhiều đột phá về cách chúng ta tương tác cũng như sử dụng. 6 thế hệ, 6 bản iOS khác nhau và năm nào thì iPad cũng vẫn là chiếc máy tính bảng tuyệt vời nhất. Năm nay cũng vậy, bạn không thể tìm được một sản phẩm nào kết hợp hoàn hảo giữa phần mềm, phần cứng, hệ cộng sinh ứng dụng như iPad Air 2. Không tính tới các máy tính bảng Windows, iPad Air 2 đang là sản phẩm nhanh nhất, mạnh nhất, màn hình tuyệt vời nhất ở thời điểm hiện tại. Tất nhiên, không một sản phẩm nào phù hợp với tất cả mọi người, Air 2 vẫn còn những điểm yếu cố hữu như chưa cho phép xử lý đa nhiệm nhiều cửa sổ một lúc mà một số người dùng mong đợi hay viền màn hình vẫn lớn hơn mức cần thiết. Thế nhưng, xét về tổng thể thì không một tablet nào trên thị trường có thể so sánh với nó.
Thiết kế:
Có 3 điểm dễ thấy nhất để phân biệt iPad Air 2 và Air đời đầu: máy mỏng hơn, không còn nút gạt khóa xoay màn hình và nút home TouchID. Có thể nói, về tổng thể thì iPad Air 2 không khác biệt so với Air quá nhiều, Apple vẫn duy trì nguyên lý thiết kế từ iPad 2 tới giờ mà chưa chuyển sang phong cách giống như iPhone 6/6 Plus. Có thể phần nào hiểu được nguyên nhân này khi mà rất ít nhà sản xuất dám làm tablet có các cạnh viền tròn, chúng quá dễ trơn và dù tròn nhỏ thế nào cũng không thể cầm bằng một tay, không tạo được điểm tựa cho người sử dụng.
Trên thực tế, rõ ràng là Apple vẫn có thể thu gọn các cạnh viền lại được mà không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của máy do iPad đã hỗ trợ công nghệ nhận diện cử động của người dùng từ khá lâu, nó có khả năng nhận diện khá chính xác khi nào chúng ta muốn chạm vào màn hình khi nào vô tình. Tuy vậy, Apple lại lựa chọn làm máy mỏng đi, biến nó thành chiếc tablet mỏng nhất thế giới (6.1mm) thay vì làm máy gọn lại. Cá nhân mình thích máy dày như cũ nhưng pin lâu hơn và gọn gàng hơn.
Để làm máy mỏng đi, Apple cũng chấp nhận hy sinh nút gạt xoay màn hình, họ bổ sung thêm một nút bấm ảo trên Action Center để bù đắp lại điều này. Nếu bạn dùng khóa xoay như phím mute thì chúng ta vẫn có thể nhấn giữ phím volume xuống trong khoảng 2 giây để máy trở về chế độ im lặng, không tiện lợi bằng nhưng cũng không phải là vấn đề quá lớn. Với cái đà này thì rất có thể trong thế hệ iPhone và iPad tiếp theo, Apple cũng sẽ loại bỏ luôn jack cắm tai nghe 3.5mm mà đẩy về cổng lightning, tiết kiệm diện tích và tối giản thiết kế của máy hơn.
Cảm giác cầm iPad Air 2 là rất dễ chịu, tất nhiên nó không mượt mà như iPhone 6 nhưng trọng lượng giảm đi một chút cộng với việc máy mỏng đi đáng kể đã làm cho cảm giác cầm của chúng ta tuyệt vời hơn rất nhiều. Có nhiều lo ngại về việc iPad Air 2 sẽ yếu hơn iPad Air nhưng cá nhân mình thấy lo lắng đó là không cần thiết, chẳng ai lại ngồi lên iPad cả!
Apple iPad Air 2 có thêm phiên bản màu vàng, cá nhân mình thì cảm thấy không thích màu này lắm, có thể bạn sẽ khác.
Touch ID:
Touch ID là điểm mới nổi bật trên iPad Air 2, tính năng của nó nằm giữa iPhone 5s và iPhone 6/6Plus, tức không bị giới hạn quá nhiều như 5s nhưng cũng chẳng đầy đủ tính năng như iPhone 6. TouchID trên iPhone 6 có thể mở khóa bằng vân tay, thanh toán bằng Apple Pay mọi lúc mọi nơi, kể cả trong ứng dụng trên máy lẫn tại máy POS bằng cách chạm điện thoại vào máy POS trong khi iPad Air mất khả năng hoạt động bằng cách chạm máy POS còn iPhone 5s chỉ mở khóa máy.
Lý do tại sao lại dẫn đến tình trạng đó? Để hoạt động thì Apple Pay cần một thành phần bảo mật trong con chip NFC gọi là NFC Secure Element, thành phần này sẽ kết hợp với iPhone 5s để xác thực với Apple Pay. Bởi vì iPhone 5s không có chip NFC mà chỉ có TouchID nên nó không bao giờ có thể kích hoạt được Apple Pay, chỉ có thể hoạt động nếu kết hợp với Apple Watch. iPad Air 2 có chip NFC bên trong nên nó dùng được Apple Pay, tuy nhiên lại gặp một tình trạng mới là vì lý do gì đó, Apple quyết định không đưa ăng-ten vào con chip NFC bên trong, do vậy nó không thể giao tiếp với các thiết bị khác (ở đây là máy POS) mà chỉ làm việc duy nhất với TouchID. Có thể hình dung việc này tương tự như nếu chúng ta bị cụt tay, não vẫn có thể ra lệnh cho tay nhấc cái bánh trên bàn lên nhưng chúng ta lại không còn tay để thực thi hành động đó.
Với hạn chế đó, TouchID trên iPad Air 2 và mini Retina 2 không thể chạm vào máy POS để trả tiền và cũng không thể mở rộng ra trong tương lai. Giả sử có một ngày Apple cho phép lập trình viên truy cập vào để sử dụng con chip NFC thì khả năng mở rộng đó chỉ hoạt động trên iPhone 6/6 Plus mà thôi. Nếu bạn muốn trả tiền khi chạm vào máy POS thì bắt buộc phải kết hợp với Apple Watch, tương tự như iPhone 5s. Thực chất thì hành động chạm iPad vào máy POS cũng không “vui” lắm nhưng dù sao thì có vẫn hơn không.
Màn hình:
Màn hình iPad Air không khác biệt nhiều so với iPad Air đời trước, cá nhân mình vẫn đánh giá nó rất cao. Cần lưu ý là màn hình này sẽ tối hơn một chút so với iPad Air do Apple đã phải sắp xếp lại dải đèn LED phía dưới để làm cho nó mỏng hơn. Cứ mỗi giai đoạn thì Apple lại phải cải tiến ma trận LED, hồi iPad with retina display (iPad 3), họ phải dùng rất nhiều đèn LED để đáp ứng yêu cầu của màn hình độ phân giải siêu cao khi đó, the new iPad (iPad 4) và Air được dùng đèn cải tiến hơn, nhỏ gọn hơn nhưng vẫn giữ nguyên độ sáng còn iPad Air 2 có vẻ như đã chạm giới hạn vật lý ở thời điểm hiện tại nên nó sẽ bị tối đi.
Thực chất thì việc tối đi khoảng 10% này không ảnh hưởng lắm đến việc sử dụng của chúng ta nhưng mình vẫn thích màn hình sáng hơn , nhất là khi ra ngoài nắng. iPad Air 2 được phủ lớp chống chói mà Apple cho là tốt nhất trên thị trường. Thực tế sử dụng cho thấy bạn vẫn phải che hoặc nghiêng nếu dùng nó dưới môi trường ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp nhưng ít bóng và dễ nhìn hơn hẳn. Hiện tại ở mảng máy tính bảng thì mình chỉ nhớ có Nokia Lumia 2520 là được trang bị chống chói tốt như vậy. Nhớ nhé, nếu muốn đọc sách giữa trời nắng thì Kindle vẫn là lựa chọn tốt hơn.
Có thể thấy để làm được chiếc tablet mỏng nhất thế giới, Apple (hay người dùng?) đã phải hy sinh quá nhiều: màn hình tối hơn một chút, pin dung lượng thấp hơn 15% (khoan hãy nói đến hiệu suất sử dụng thực tế) và nút gạt. Liệu bạn có sẵn sàng đánh đổi tất cả những thứ trên như Apple?
Quay trở lại màn hình, Apple cuối cùng cũng đã áp dụng công nghệ chế tạo tương tự iPhone vào iPad, làm cho tấm kính liền mạch hơn với các lớp màn hình. Việc ép các thành phần chung lại với nhau không chỉ làm cho màn hình ít bóng hơn, trong hơn (do loại bỏ các lớp không khí giữa các layer) mà còn tạo cảm giác nổi hơn, có hiệu ứng thị giác tốt hơn. Thành thực mà nói thì hiệu ứng này vẫn chưa xuất sắc như mong đợi, mình vẫn muốn một cái gì đó ấn tượng hơn nữa. Nếu bạn chọn màu đen thì viền màn hình và màn hình sẽ tiệp màu với nhau, dễ gây ấn tượng hơn là bản màu trắng/vàng vốn tương phản hoàn toàn.
Nhìn chung, nếu bạn hài lòng với màn hình iPad Air thì sẽ không thất vọng với màn hình iPad Air 2, sẽ thích hơn rất nhiều khi nhìn ngoài nắng và hơi thất vọng hơn rất ít trong một vài trường hợp cá biệt cần độ sáng màn hình cao nhất.
Sức mạnh:
iPad Air 2 dùng A8X, con chip không chỉ mạnh mẽ hơn nhiều về đồ họa như mọi khi mà còn cải tiến lớn về sức mạnh xử lý, đặc biệt là xử lý đa nhân. A8X có 3 nhân xử lý bên trong thay vì chỉ 2 như iPhone 6, có thể Apple đang đề phòng cho khả năng nâng cấp trong tương lai cho các bản iOS có xử lý đa nhiệm tốt hơn hiện tại. Điều đó càng trở nên đặc biệt đúng khi iPad Air 2 sở hữu 2GB RAM và có những thông tin về sự xuất hiện của một chiếc iPad Pro 12” với khả năng hoạt động chia đôi màn hình của iOS mới.
Người ta nói iOS hoạt động tốt với 1GB RAM, điều đó chắc chắn là đúng khi iPhone 6/6 Plus vẫn hoạt động nhanh hơn hầu hết các thiết bị Android khi cùng chạy một ứng dụng. Tuy vậy, 1GB RAM có những nhược điểm của nó được thể hiện rất rõ ràng khi chúng ta chạy các chương trình ngốn RAM như Safari hay các game nặng, máy buộc phải xả bớt RAM ở các chương trình khác ưu tiên cho ứng dụng đang chạy, hệ quả là khi quay trở lại ứng dụng cũ thì nó phải tải lại từ đầu, khá khó chịu. Với 2GB RAM thì Safari đã được tự do hơn, mình chơi thử một số game nặng nhưng khi quay lại thì trang Safari vẫn còn đó, tuyệt hơn rất nhiều.
Người ta thường nói iPhone/iPad nhanh dù CPU yếu là nhờ khả năng tối ưu cả phần mềm và phần cứng của Apple nhưng điều đó khá là vô lý, các phép benchmark đóng vai trò đo khả năng xử lý vật lý thuần túy của CPU/GPU và hệ điều hành đóng vài trò quan trọng nhưng không phải quyết định ở các phép benchmark này. Với hơn 62.000 điểm Antutu hay hơn 4500 điểm Geekbench đa nhân thì iPad Air 2 mạnh mẽ hơn hẳn các thiết bị khác ở thời điểm hiện tại, và năng lực đó còn được tiếp thêm sức mạnh với những cơ chế, những thuật toán hay engine mới mà Apple thực hiện trên iOS 8.
Ví dụ dễ thấy nhất: Metal, API đồ họa cấp thấp do chính Apple thực hiện và tối ưu cho các máy iOS. nhờ vào API đồ họa này mà người ta có thể thực hiện được các game có hiệu ứng đồ họa rất ấn tượng và xử lý trên độ phân giải FullHD theo thời gian thực, điều đòi hỏi nhiều năng lực xử lý từ phần cứng hơn trên các hệ điều hành khác. Bạn nên nhớ là Xbox 360 hay PS3 vẫn xử lý hầu hết các game của chúng ở độ phân giải 720p, trừ một số game được tối ưu riêng cho nền tảng đó đòi hỏi rất nhiều công sức của nhà phát triển. Tất nhiên, mình không nói iPad Air 2 mạnh hơn Xbox 360 hay PS3 nhưng việc xử lý game ở độ phân giải FullHD là một điều rất đáng nể trên di động. Bạn nào theo dõi máy tính thì nó cũng tựa tựa như kiểu Mantle của AMD.
Về chip đồ họa, người ta cho rằng Apple vẫn trung thành với Imagination và sử dụng PowerVR GX6650 của hãng này với 6 nhân đồ họa thay vì chỉ 4 nhân như trên iPhone 6/6 Plus. Thông tin Apple cho biết GX6650 mạnh hơn khoảng 2.5 lần so với iPad Air và kết quả benchmark cũng chứng minh nó có năng lực tính toán cao hơn cả chip Tegra K1 (Denver) của nVidia với 192 nhân xử lý đồ họa.
Phần mềm:
Có một điểm làm cho Apple rất đặc biệt, họ luôn tiên phong đưa ra một tính năng nào đó và nếu một tính năng nào đó trở nên lỗi thời, công ty California lại giới thiệu thêm các tính năng mới mà “nhiều người cho là bắt chước đối thủ” nhưng cải tiến tính năng đó theo một cách hoàn toàn mới, tốt hơn nguyên bản. Lấy ví dụ về thanh Notification Bar, các máy Android có từ đầu còn Apple về sau mới có nhưng họ cải tiến cho nó đẹp và thuận tiện hơn, đặc biệt bổ sung thêm các tập lệnh để lập trình viên tối ưu theo cách mà họ muốn thông qua hệ thống widget có thể truy cập nhanh chỉ bằng một nút bấm. Nếu xài Swarm (Foursquare) bạn có thể check in chỉ bằng cách vuốt notification bar xuống và bấm vào đó là xong, chúng ta cũng chẳng cần phải vào ứng dụng hay làm các thao tác phức tạp khác. Đây là điều chưa thể xuất hiện trên Android hiện tại.
Tuy nhiên, rõ ràng là đôi khi sự bảo thủ của Apple vẫn làm chúng ta hơi khó chịu. Apple vẫn luôn tuần theo nguyên tắc phục vụ cho số đông, họ không vì một số người dùng nào đó mà đánh đổi số đông con lại. Có thể nhận thấy số người đòi hỏi đa nhiệm hay thay đổi cốt lõi trên iPad không nhiều (mình có đòi hỏi, rất nhiều bạn trên diễn đàn Tinhte.vn có đòi hỏi) nhưng đại số đông người khác lại rất hài lòng với sự dễ dùng, không rối rắm của iPad hiện tại, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ em, những đối tượng rất tiềm năng. Hãy cùng chờ xem Apple sẽ giải quyết bài toán đó thế nào, nhất là khi các đối thủ Android luôn nhất mạnh sự đa nhiệm kiểu chia đôi màn hình hay hiển thị nhiều ứng dụng cùng lúc.
Pin:
Có nhiều thông tin cho biết pin của iPad Air 2 yếu hơn iPad Air đời đầu, chỉ đạt 7340mAh so với 8820mAh. Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy sự khác biệt giữa 2 máy là không lớn, mình vẫn sử dụng hỗn hợp được hơn 8 tiếng. Các bài thử nghiệm chi tiết hơn sẽ được anh @vuhai6 thực hiện. Một phần cũng nhờ vào màn hình mới ít bóng hơn và chúng ta ít phải đẩy độ sáng lên đã giảm thiểu năng lượng máy phải tiêu thụ.
Kết luận:
Steve Jobs từng nói "Good artists copy, great artists steal”, rõ ràng là Apple vẫn luôn tuân theo triết lý đó đến thời điểm hiện tại. Không phải là ai làm trước, mà ai làm tốt hơn vẫn là thứ mà Apple luôn đeo đuổi. iPad chưa và cũng sẽ không bao giờ là chiếc máy tính bảng đầu tiên nhưng nó là thứ chúng ta dễ hình dung nhất khi nhắc tới một máy tablet, nó thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tương tác với máy tính hiện đại.
iPad Air 2 là một sản phẩm tuyệt vời, nó gần như không còn nhiều thứ để cải thiện về phần cứng và phần nào đó là phần mềm ở thời điểm này. Tuy vậy, để cho hoàn hảo hơn, rõ ràng Apple vẫn phải tiếp tục cải tiến phần mềm đáp ứng yêu cầu của một số người đang có ý định làm việc nghiêm trọng hơn với iPad hoặc ít nhất là một chế độ riêng để làm điều đó. Người ta đã đồn đại quá lâu về một chiếc iPad Pro mới sẽ đáp ứng nhu cầu cho người làm việc chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa biết khi nào nó mới được ra mắt. Cho đến lúc đó, iPad Air 2 vẫn là chiếc máy tính bảng tốt nhất cho hầu hết mọi người, một lựa chọn rất an toàn về cả thiết kế, tính ổn định của hệ thống cũng như giá trị bán lại sau này.
Với việc tái sử dụng thiết kế cũ thì rõ ràng Apple đã phần nào làm giảm sự hấp dẫn của iPad với người dùng cũ vì chắc chắn thiết kế là một trong những nguyên nhân chính để chúng ta nâng cấp máy. Nếu bạn đang sử dụng iPad Air và thắc mắc có nên lên iPad Air 2 không thì chắc chắn câu trả lời sẽ là không, trừ khi bạn có nhiều tiền và muốn tận hưởng những thứ tốt nhất. iPad Air vẫn quá tuyệt ở thời điểm này, nó có màn hình xuất sắc, vẫn mỏng nhẹ, CPU vẫn chạy rất nhanh và cho điểm benchmark cao hơn hoặc tương đương với các tablet khác ra mắt sau nó cả năm. Đặc biệt hơn nữa, giá của nó đã giảm sâu hơn vì iPad Air 2 ra mắt, vẫn rất xứng đáng để lựa chọn.
iPad mini retina đời đầu cũng là một lựa chọn cực kỳ hợp lý với giá mua mới chỉ khoảng 300$ ở thị trường Mỹ và Việt Nam, rẻ hơn rất nhiều so với iPad Air 2 và mini retina 2/iPad mini 3 hoàn toàn không đáng mua ở Việt Nam.
Ưu điểm:
- Siêu mỏng
- Siêu mạnh
- Ổn định, dễ dùng
Nhược điểm:
- Màn hình chưa phải xuất sắc nhất
- Thiết kế vẫn làm gọn lại được
- Cần bổ sung thêm các tính năng nâng cao
Xem lại bài đánh giá iPad Air
Bài đánh giá iPad mini retina
Bài đánh giá iPad mini retina 2/iPad mini 3
Bài đánh giá iPhone 6 Plus
Bài đánh giá iPhone 6