I-Trong tuần, những ai quan tâm đến thân phận con người không thể không chú ý đến sự tranh luận ồn ào về một cái quyền con người- “quyền im lặng” trong hoạt động tố tụng hình sự. Hay còn gọi là quyền Miranda.
Quyền im lặng, thực chất là quyền của những bị can, nghi can bị cơ quan chức năng bắt, trước những thẩm vấn của điều tra viên, cho đến khi họ mời được luật sư.
Miranda là tên một bị cáo ở Mỹ, từng bị kết án, giờ đã trở về với cát bụi, hẳn không thể ngờ tới tên của mình lại bước vào lịch sử tư pháp Mỹ, trở thành khái niệm trong hoạt động tư pháp, xuất phát từ một vụ án mà anh ta bị bắt năm 1963. Do thiếu hiểu biết, do tâm lý hoang mang, và không được thông báo về các quyền của mình, lời thú tội trong tâm lý bị kích động, hoảng hốt đã trở thành bằng chứng kết tội anh ta.
Nhưng quyền im lặng, mà hai luật sư John Flynn và John Frank, đưa ra đã chỉ rõ trước Tòa án tối cao bang Arizona rằng, vấn đề là các quyền của bị can Miranda phải được cảnh báo vào lúc nào. Cuối cùng, phán quyết của TATC Mỹ lật ngược bản án của TATC bang Arizona, rằng Miranda đã bị đe dọa trong khi thẩm vấn. Tòa án Tối cao Mỹ đã hủy bản án trước đó (Người đưa tin, 04/6/2013).
Vụ việc xảy ra đã hơn nửa thế kỷ, giờ đây, quyền Miranda- quyền im lặng đã là quyền được ghi nhận trong hoạt động tố tụng hình sự ở nhiều nước trên thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á. Nó cho thấy quyền con người cần được tôn trọng cả khi con người bị bắt, là bị can, nghi can, nhưng chưa bị chính thức kết tội. Đến mức, nếu quyền này không được tôn trọng, bản án sẽ bị hủy bỏ vì không có giá trị.
Dù vậy, ở nước Việt, quyền im lặng đến nay vẫn im lặng là… vàng trong hoạt động TTHS. Còn mới đây, khi được đưa ra công khai bàn thảo, nó đủ sức gây ồn ào trong những tranh luận nhiều chiều, với những nghi ngại nhân danh của các cơ quan chức năng. Đủ hiểu, những vấn đề về quyền con người trong một xã hội phương đông chậm phát triển, luôn nhạy cảm, đặc biệt trong hoạt động tư pháp, lĩnh vực điều tra, truy tố, và xử lý pháp luật.
Thật ra trước đó, năm 2013, quyền im lặng đã được công luận quan tâm. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, (ngày 14/11/2013), bà Lê Thị Thu Ba (Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo CCTP Trung ương) cho rằng: TTHS của chúng ta cũng phải tiến tới khi có đủ điều kiện, quy định về quyền được giữ im lặng của bị can, bị cáo một cách phù hợp.
Còn theo LS Trần Hồng Phong: “Quyền im lặng” thực chất là việc triển khai và cụ thể hóa quyền bào chữa của bị can, bị cáo, vốn đã được pháp luật quy định từ lâu. Nếu được áp dụng chắc chắn sẽ góp phần chuyển biến đột biến, hạn chế cơ bản tình trạng nhục hình, ép cung, bức cung, bảo đảm việc điều tra, truy tố và xét xử thật sự khách quan, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, thế nào là "đủ điều kiện một cách phù hợp" như bà Lê Thị Thu Ba đã nói, thì không ai định nghĩa được rõ ràng.
Cũng tháng 11/2013, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn vỡ lở, chấn động cả xã hội. Nó cho thấy tất cả những non kém, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí vi phạm luật TTHS trong công tác điều tra, xét xử của tòa án các cấp ở Bắc Giang. Nỗi đau, nước mắt của người tù oan Nguyễn Thanh Chấn khiến cả xã hội phải “khóc” cho số phận bi đát một con người, vì những kém cỏi tệ hại của một số người trong ngành tư pháp.
|
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn vỡ lở, chấn động cả xã hội
|
Nhưng người viết bài không muốn đặt một câu hỏi: Nếu ông Nguyễn Thanh Chấn được sử dụng quyền im lặng, được có luật sư đại diện cho lợi ích của mình, thì việc án oan có xảy ra không?
Bởi cho đến thời điểm này, những quan điểm, ý kiến bảo vệ cho việc “chống lại” quyền im lặng không phải… hiếm.
Tỷ như, có vị của ngành chức năng cho rằng, quyền im lặng không phù hợp với thực tiễn văn hóa nước Việt. Đa phần người bị tình nghi khi bị bắt đều kêu oan, chứ không im lặng. Và việc khẩn trương lấy lời khai của người bị bắt sẽ giúp công tác phá án được nhanh chóng, tránh nguy hiểm cho xã hội.
Hoặc như một vị kiểm sát viên của ngành kiểm sát kêu, áp dụng quyền im lặng ở nước ta hiện nay rất khó.
Nói như vậy, các vị quên mất rằng, tiếng kêu oan đó là phản xạ bản năng của con người thấp cổ bé họng trong một xã hội chưa thật sự… pháp quyền, trước cách hành xử của tư pháp, từ công tác điều tra còn rất thiếu chuyên nghiệp. Mặt khác, nếu cứ ngụy biện không chấp nhận quyền im lặng, để “giúp cho công tác phá án nhanh chóng, tránh nguy hiểm cho xã hội”, thì hẳn ở các quốc gia văn minh áp dụng quyền này, xã hội của họ phải … nguy hiểm vô cùng?
Hay đó thực chất chỉ là sự ngụy biện của thứ tư duy độc quyền, độc đoán, dễ dẫn đến sự truy xét, truy bức, nhục hình, mà vụ việc người tù oan Nguyễn Thanh Chấn là một minh họa đau xót. Ngành tư pháp không thể vì thấy khó mà tước cái “quyền” cuối cùng của con người, khi họ chưa bị pháp luật xét xử.
Đến như Tạp chí Đảng CS đã phải giật cái title: Quyền im lặng đang “lặng im”
Đã đến lúc “quyền im lặng” ở nước Việt cần… cất tiếng nói. Vì sao?
Bởi xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt, các nghi can, bị can khi bị bắt và bị thẩm vấn, hầu hết đều thiếu hiểu biết về pháp luật, tâm lý thụ động, hoảng hốt khi phải đối mặt với các điều tra viên dày dạn, họ dễ rơi vào “chiếc bẫy” đang giăng ra. Thậm chí, ngay cả ĐTV non kém, vô trách nhiệm cũng có thể “dựng” nên vụ án như các ĐTV trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.
Khi đó, các bị can như Nguyễn Thanh Chấn chỉ biết kêu oan, mà không sao… im lặng, đúng như lời của một vị thuộc cơ quan chức năng đã nhận xét. Việc thực hiện “quyền im lặng”, nói như LS Trần Hồng Phong, chắc chắn sẽ góp phần hạn chế cơ bản tình trạng nhục hình, ép cung, bức cung.
Một đặc điểm của tư pháp nước Việt hiện nay, do chất lượng từ nguồn đào tạo, do những tiêu cực xã hội tác động mà chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp làm công tác điều tra, thẩm vấn còn rất bất cập. Chưa kể do những động cơ mờ ám, không ít cán bộ tư pháp còn cố tình ngăn chặn, làm khó dễ sự xuất hiện của các luật sư đại diện cho các bị can, nghi can. Câu chuyện “mặc cả” ở trụ sở TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) gạt bỏ vai trò luật sư, là một ví dụ cụ thể.
Mặt khác, nước Việt từ năm 2013 đã chính thức tham gia Công ước chống tra tấn, và ngày 12-11-2013 được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Sự kiện đáng nhớ đó cho thấy Nhà nước VN công khai cam kết nâng cao quyền con người. Trong đó, có “quyền im lặng” của bị can, nghi can. Việc thực hiện “quyền im lặng” cũng chính là …ký kết đi đôi với việc làm.
Một điểm đáng chú ý, ngày 23-9 mới đây, tại cuộc thảo luận của UBTVQH về dự án Luật tổ chức Tòa án (sửa đổi), Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình vẫn cho rằng, cơ quan điều tra không muốn sửa luật theo hướng quy định quyền im lặng của bị can, người bị tạm giữ. Vì theo ông, hiện nay tòa án đang thiết kế theo mô hình thẩm vấn là chính chứ không phải mô hình tranh tụng như nhiều nước khác.
Ý kiến này ngay lập tức bị Chủ tịch QH phản bác: Các anh phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn. Ông cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định vào dự thảo luật, khẳng định quyền của bị can, bị cáo, quyền của luật sư, đảm bảo tranh tụng bình đẳng tại tòa. Nếu các đồng chí không viết như vậy là vi hiến (Tuổi trẻ, ngày 24/9)
Đối thoại đó cho thấy, đến ngay Viện KSNDTC mà khi bàn về quyền im lặng cũng chỉ căn cứ vào cái sự “muốn hay không muốn” của cơ quan điều tra. Đủ hiểu tư duy ban phát xin- cho của ngành chức năng còn…. rất khỏe.
Chợt nhớ tại một ngã tư HN, một anh xe thồ cứ nghênh ngang dắt bộ chiếc xe đạp thồ kềnh càng dưới lòng đường tấp nập ô tô, xe máy, làm nghẽn đường, khiến một cảnh sát giao thông phải gọi loa nhắc nhở: Đây không phải là cái đường làng của nhà anh!
Chả lẽ hoạt động tư pháp cũng muốn như anh xe đạp thồ nọ, coi con đường phát triển của nước Việt chỉ là … đường làng của riêng mình?
*************************
II- Còn với cộng đồng xã hội VN, đang có một quyền “không thể im lặng”- đó là quyền phát triển, thì có vẻ như quyền này cũng đang… “im lặng” nốt, mà Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản", vừa tổ chức ở Ninh Bình mới đây, đã phản chiếu phần nào.
Trước đó nửa năm, nhiều ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 diễn ra ở Quảng Ninh cho rằng nền kinh tế vẫn còn trì trệ, có hồi phục cũng mỏng manh. Nửa năm sau, những đánh giá về kinh tế nước Việt có vẻ vẫn giữ nguyên “giá trị”, đặc biệt ở ba chân kiềng trụ cột của tái cơ cấu. Đó là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng. Mặc dù trước đó hai năm, tháng 4/2012, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân đã từng sôi động bởi hy vọng những “chồi biếc phát triển” nảy mầm, thông qua chủ đề “Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”.
Cỗ xe kinh tế nước Việt vẫn ở trạng thái ì ạch kỳ lạ. Vì sao?
Tại diễn đàn, cuộc phẫu thuật kinh tế đã diễn ra dưới những đường mổ xẻ của các tay “dao, kéo”- các chuyên gia kinh tế với các cách nhìn khác nhau.
Ở góc độ Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế VN, ông Trần Đình Thiên cho rằng tái cơ cấu có xu hướng đánh giá thấp nguy cơ, trong đó nguyên nhân chính là không tuân thủ nguyên tắc thị trường. Sự không tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, thể hiện rất rõ ở việc Nhà nước vẫn dành đặc quyền lớn cho một khu vực- DNNN- cộng với ham muốn kiểm soát giá cả đã làm thị trường méo mó.
Cách tiếp cận đó dẫn đến cơ cấu đầu tư sai, cơ cấu ngành sai, hệ lụy mô hình tăng trưởng bị lệch. Tái cơ cấu DNNN không nên chỉ đặt trọng tâm là cổ phần hóa, mà cần đặt nó trong môi trường cạnh tranh. Vì quy luật của kinh tế thị trường là cạnh tranh và lợi nhuận.
|
Vấn đề tái cơ cấu DNNN vẫn ì ạch. Ảnh minh họa
|
Mặt khác, định hướng XHCN trong cơ chế thị trường chưa rõ, cơ chế xin- cho vẫn được duy trì và can thiệp bằng hành chính vẫn được ưa thích. Đặc biệt là bộ máy vẫn duy trì cơ chế trách nhiệm tập thể, trong khi kinh tế thị trường là cơ chế trách nhiệm cá nhân.
Còn ở góc độ quản lý vĩ mô, từng tham gia những cuộc đàm phán hiệp định thương mại quốc tế, cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhận định kinh tế VN đã đến đáy năm 2013 và đang vật vã đi lên, lại rất đồng cảm với ý kiến của Ts Trần Đình Thiên, khi ông băn khoăn, về việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, với những khái niệm “nhạy cảm”: Tôi cảm thấy hiện nay chúng ta sợ cái từ “xã hội dân sự” giống như sợ cái từ “kinh tế thị trường” thời trước đổimới, đó là điều rất vô lý. (VnEconomy, ngày 3-0/9)
Nhưng một sự định vị khác có ý nghĩa quyết đinh tới nền quản trị quốc gia, đó là điều mà Ts Trần Đình Thiên đã phải đặt ra trong diễn đàn- kinh tế thị trường định hướng XHCN. Còn cách đây ít lâu, Bộ trưởng KH và ĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn hơn: Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.
Chừng nào tư duy nước Việt chưa “giải mã” được mô hình này, chừng đó nước Việt còn rất khó phát triển. Bởi vận mệnh, kinh tế một đất nước nằm trong tay người Việt, đòi hỏi tư duy nước Việt phải rõ ràng, minh bạch, trên nền tảng lý luận vững chãi, không thể cứ mãi đi tìm … lá diêu bông.
Một nhà thơ có thể lãng mạn. Nhưng một dân tộc không thể ảo tưởng!
Không chỉ có DNNN mới phải tái cơ cấu, mà theo TS Lê Đăng Doanh, những non yếu của khu vực kinh tế tư nhân, động lực quan trọng của nền kinh tế, khu vực hiện tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội cũng cần phải tái cơ cấu, do đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, năm 2013 đã có hơn 200 nghìn DNTN phải tuyên bố phá sản.
Là một trong những tác giả của đề án tái cơ cấu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ cho rằng, trong thực tế, xã hội chưa áp dụng nguyên tắc cạnh tranh công bằng với các loại doanh nghiệp. Thậm chí Nhà nước còn sẵn sàng can thiệp dưới nhiều hình thức đi vay hộ, khoanh nợ, giảm lãi suất… “Lòng thương” kiểu này, làm méo mó nguyên tắc và quy luật cạnh tranh kinh tế thị trường, mặt khác, nảy nở không ít tệ nạn tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Tất cả, tạo nên một bức tranh kinh tế xám màu… trì trệ.
Rõ ràng kinh tế nước Việt phải có những dấn thân quyết đoán, sáng suốt và mạnh mẽ, với tư duy kinh tế minh bạch, sòng phẳng, tôn trọng quy luật kinh tế thị trường.
Con đường hội nhập hiện đại của nước Việt đã rất gần.
Một quốc gia phát triển vững chắc, lành mạnh, không thể có “con đường làng” tư pháp, trên đó, cỗ xe kinh tế chạy ì ạch, loạng quạng bởi tư duy kinh tế luẩn quẩn vẻ đẹp của … lá diêu bông.