Sinh năm 1976, Thạc sĩ Đặng Lưu Hoa lập gia đình cùng Tiến sĩ Trần Nguyễn Hà khi 2 người cùng làm giảng viên tại trường Đại học Nông nghiệp I. Anh chị sau đó có một cuộc sống ổn định cùng cô con gái đầu lòng tại căn nhà ở quận Đống Đa. Đó cũng là niềm mơ ước của nhiều cặp vợ chồng trẻ.
Trong những chuyến công tác nước ngoài, chị Hoa bắt gặp mô hình trang trại kết hợp với việc giáo dục nhận thức cho trẻ em. Về nước, chị ấp ủ ý tưởng sẽ triển khai tại Việt Nam vì thực tế, ở các thành phố lớn, trẻ thiếu những không gian thiên nhiên thực tế, chỉ biết con vật, cây cối thông qua tivi, internet. Tại đây những học sinh thành phố được tiếp cận với các cây cối, con vật, hoặc nếp sinh hoạt ở các vùng nông thôn.
|
Mô hình trang trại nhằm giúp học sinh được tiếp cận với những cây trồng, vật nuôi mà trước đây có thể chỉ được nhìn thấy qua tivi, internet.
|
Bàn ý tưởng trên với chồng, chị không ngờ lại được anh ủng hộ. Hai vợ chồng lặn lội khắp nơi suốt nửa năm để thuê đất và đã lựa chọn địa điểm khu đất ngoài đê sông Đuống, thuộc phường Giang Biên, quận Long Biên để triển khai.
Tuy nhiên, khoản tiết kiệm khi đó không đủ nên anh chị tính bán căn nhà đang ở để đầu tư và bị người thân hai bên gia đình kịch liệt phản đối. "Với gia đình hai bên, vợ chồng tôi được ăn học đến nơi đến chốn, có công việc ổn định giờ bỏ đi làm kinh doanh, lại còn bán nhà đang ở để đầu tư đúng là một việc làm như "đánh bạc". Con gái tôi khi đó cũng còn nhỏ, cả nhà đang sống trong nội thành lại dắt díu ra tận ngoài đê sông Hồng để ở khiến mọi người rất sốc", chị Hoa kể lại.
Với quyết tâm của hai vợ chồng, căn nhà vẫn được bán đi và thu về 4 tỷ đồng. Việc đầu tiên là chị trả tiền thuê dài hạn khu đất ngoài đê sông Đuống, rộng 1,5ha và thuê một căn nhà để cả gia đình sinh sống mà không ảnh hưởng đến việc học tập của con gái. Hai nơi cách xa nhau hơn 20 cây số nên cả nhà hôm nào cũng lọ mọ dậy từ sớm, đưa con đi học, về trang trại rồi đi dạy. Ngoài giờ làm ở trường, anh chị lại tự tay cuốc đất, trồng cây cùng vợ.
|
Trang trại của chị Hoa mỗi ngày đón khoảng 500 học sinh. Tuy nhiên, mùa cao điểm chỉ kéo dài khoảng 5 tháng, các mùa khác trung bình khoảng 150 khách mỗi ngày.
|
Cũng xác định theo đuổi dự án là phải mất thời gian dài nhưng suốt năm đầu tiên, anh chị hầu như chưa thu hoạch được gì, trong khi tiền đổ vào đây cũng đến hàng tỷ đồng. Việc gia đình, trang trại và công việc ở trường khiến chị Hoa không có nhiều thời gian để thực hiện hết các ý tưởng của mình. Một thời gian sau, chị quyết định xin nghỉ giảng dạy để chú tâm hơn vào dự án.
"Rất may mắn, anh Hà cũng đồng ý với quyết định này của tôi và mọi chuyện đã dần tốt hơn", chị Hoa cho hay. Mô hình nông trại ngày một hoàn thiện hơn có chăn nuôi, trồng trọt và khu vui chơi đi kèm với những trải nghiệm giúp các học sinh thành phố có nhiều kiến thức thực tế. Sau khi mô hình đã dần được hoàn thiện, bà chủ trang trại gõ cửa các trường học và đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo nên lượng khách ngày một đông và ổn định hơn. Chị mới đưa vào hoạt động trang trại thứ 3 tại Hà Nội.
Ở 2 trang trại đầu tiên, hiện mỗi nơi hằng ngày đón khoảng 500 học sinh trong những tháng cao điểm (khoảng 5 tháng trong một năm). Thời gian còn lại, lượng khách trung trung bình đạt 150-200 mỗi ngày.
Theo chị, mô hình trang trại giáo dục không đem lại lợi nhuận đột biến, chỉ khoảng 15-20% doanh thu vì việc đầu tư cũng mất khá nhiều vốn, chi phí, cũng như nhân công. Tuy nhiên, chị Hoa cho rằng đây là một trong những hướng mới mẻ, chưa phải cạnh tranh nhiều.
Chị cũng chia sẻ, một trong những điểm khó nhất khi đầu tư vào hoạt động kinh doanh này là việc điều hành làm sao để đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh. Bên cạnh đó là việc phải liên tục có ý tưởng mới để tránh những lối mòn, để mỗi lần học sinh đến trang trại là một trải nghiệm mới, thú vị hơn. Vì thế, chị cũng đang tìm kiếm những người có thể hợp tác để cùng nhau đóng góp những ý tưởng mới, phát triển quy mô hơn mô hình trang trại.