LTS: Đầu tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất về Báo cáo Việt Nam 2035.
Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập, một trong những người được mời tham gia báo cáo này.
Tầm nhìn Việt Nam tới 2035
Bà Phạm Chi Lan chia sẻ:
Cách đây 3 năm, với sự hợp tác của các chuyên gia Trung Quốc, WB đã tham gia vào Báo cáo "Trung Quốc 2030".
Khi WB có cung cấp cho VN bản báo cáo, ta thấy cách làm đó cũng hay. Bởi báo cáo đó tuy không được lãnh đạo Trung Quốc sử dụng nhiều, nhưng xã hội lại coi đó là bản tham khảo và đối chiếu quan trọng để từ đó có những quyết định riêng cho mình để phát triển.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim tới Việt Nam cách đây 2 tháng. Trong chuyến đi này, ông có gặp lãnh đạo của Việt Nam, Thủ tướng có đặt vấn đề nếu WB có thể giúp VN làm một báo cáo tương tự như vậy thì rất tốt, để có thể nhìn thấy xa hơn tương lai của VN và những giải pháp cụ thể.
Điểm khác là lần này dự kiến đặt tầm nhìn đến 20 năm, và đặt thẳng những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, chứ không hẳn chỉ đưa ra tầm nhìn chung chung.
|
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh Lê Anh Dũng
|
Báo cáo sẽ tập trung các chỉ tiêu kinh tế là chính?
Vẫn có sự liên hệ với các chỉ tiêu xã hội. Bởi vì trong các trục tăng trưởng sẽ có: phát triển dài hạn, tăng trưởng bao trùm, và câu chuyện thể chế.
Tăng trưởng bao trùm nói lên rất nhiều về xã hội, đúng theo xu hướng chung của thể giới hiện nay, thậm chí tăng trưởng bao trùm được đưa vào trong các đàm phán thương mại.
Với trục thứ ba là thể chế, những người chủ trì cho rằng cải cách thể chế cực kỳ quan trọng, do đó phải xây dựng hệ thống thể chế như thế nào để thực hiện những mục tiêu đặt ra. Sức mạnh của xã hội và hệ thống DN chỉ có thể phát triển được khi có một hệ thống thể chế tương ứng.
Quan điểm của Thủ tướng trong các phát biểu gần đây coi "nhà nước kiến tạo phát triển" đã nói rõ tư tưởng này.
Những người tham gia sẽ chuẩn bị các khâu quan trọng nào?
Trước hết phải nhìn nhận hiện nay VN đang ở đâu, thành tựu đạt được và những vấn đề trở ngại.
VN lâu nay đưa ra các báo cáo nặng phần thành tích, những mặt chưa đạt được thì đề cập ở qui mô nhỏ hơn nhiều.
Trong khi, cũng tham gia vào cuộc họp vừa rồi, người đại diện cho Malaysia chia sẻ kinh nghiệm, họ đã đưa ra những nguyên nhân tại sao nước họ chậm phát triển... Để rồi từ đó thiết kế một mô hình kinh tế mới.
Tăng trưởng 9% trong 2 thập kỷ tới?
Bà nghĩ sao về việc WB đánh giá suốt 20 năm qua VN đạt mức tăng trưởng 5,7%, và đứng thứ hai thế giới (sau TQ)?
Đó vẫn là chuyện nặng thành tích. Nếu VN cứ tự hào là đạt mức tăng trưởng đứng thứ hai thế giới thì còn cần gì phải thay đổi nữa?
Tôi đã góp ý là nên có một cách nhìn thẳng thắn và phê phán hơn về VN, chủ yếu bắt được đúng bệnh thì mới nghĩ ra phương thuốc chữa bệnh.
Và câu nói của người chủ trì cuộc họp là VN trong 20 năm tới phải tăng trưởng 9% mới hy vọng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là câu trả lời cho cách nhìn nhận nặng về thành tích?
Phó Thủ tướng có nói rằng VN muốn đi theo đường của những con rồng như Hàn Quốc, hay Đài Loan, tôi nhắc lại là "đi theo đường" chứ không phải "bắt kịp" như nhiều báo có đưa tin, thì phải tăng trưởng trung bình 9% một năm trong 20 năm tới. "Đi theo đường" tức là vượt lên chứ không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, chứ còn làm sao bắt kịp được.
Hơn nữa, tăng trưởng 5,7% của VN vẫn trên cơ sở là một nước nghèo, tăng như vậy chỉ bằng tương đương với 2-3% tăng trưởng của các nước xung quanh ta thôi.
|
VN hy vọng các tập đoàn kinh tế sẽ là những quả đấm thép làm đối trọng với các công ty đa quốc gia mà VN đang thu hút vào nhằm thu hút công nghệ và tăng hàm lượng giá trị gia tăng
|
Tăng trưởng chỉ lóe sáng khi mới vào WTO
Bà đánh giá thế nào về khả năng nói trên, khi mà trong những điều kiện thuận lợi nhất VN cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 7,5 đến 8%?
Trong 5 năm thuận lợi nhất trước thềm tham gia WTO (2002-2006), khi có Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ và Luật Doanh nghiệp với sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp trong nước, có sự thay đổi về thể chế để chuẩn bị tham gia Tố chức Thương mại Thế giới (WTO), và có cả triển vọng tham gia WTO để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như sự phục hồi của khu vực Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng cuối thập kỷ '90, VN chỉ tăng trưởng được trung bình 7,5%.
VN chỉ có lóe sáng lên trong năm 2007, năm đầu tiên khi gia nhập WTO, khi mức tăng trưởng đạt 8,46%, nhưng chỉ là phút lóe sáng lên rồi phụt tắt khi thế giới bước vào khủng hoảng.
Đây là xuất phát điểm để bà có cách nhìn nhận lại giai đoạn vừa rồi của VN?
Đúng vậy. Sau một số năm, thế giới đi vào ổn định dần thì VN vẫn không tận dụng được sự ổn định đó, và kinh tế VN lại chìm sâu hơn vào khủng hoảng với tăng trưởng GDP giảm dần.
Những tác động tích cực của hệ thống thể chế đã xây dựng được trong thời gian chuẩn bị gia nhập WTO, trong thực tế, không còn đủ để thúc đẩy kinh tế phát triển lên nữa. Thay vì thực hiện tốt những thể chế và những luật mà WTO quy định, VN lại quay trở lại những chủ trương chính sách chưa hợp lý.
Như, việc khẳng định trở lại vai trò của DNNN, nhất là việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đã ảnh hưởng tới việc phân bổ nguồn lực, làm cho nguồn lực của đất nước bị dồn vào một thiểu số.
VN hy vọng các tập đoàn kinh tế sẽ là những quả đấm thép làm đối trọng với các công ty đa quốc gia mà VN đang thu hút vào nhằm thu hút công nghệ và tăng hàm lượng giá trị gia tăng. Nhưng lẽ ra VN phải cải thiện mình ở hệ thống thế chế cũng như tăng cường sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) để hình thành chuỗi cung ứng, gắn kết với các công ty đa quốc gia và cùng với họ đi lên, thì VN lại tập trung phát triển tập đoàn kinh tế, với mọi nguồn lực và ưu đãi chính sách tập trung vào đó.
Nguồn lực tài chính cũng tập trung vào tập đoàn, các quỹ đầu tư gián tiếp nước ngoài tập trung vào phát triển hai lĩnh vực đầu cơ chính là chứng khoán và bất động sản, tạo nên hai bong bóng lớn, thay vì đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.
Chứng khoán là lĩnh vực để thu hút vốn cho các DN trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thì lại trở thành một thứ đầu cơ. Kể cả các công ty sản xuất công nghiệp khi thu hút được vốn từ chứng khoán lại đem đầu cơ vào BĐS.
Do nguồn lực dồn vào BĐS, nên khi bong bóng nổ thì làm tê liệt cả nền kinh tế, vấn đề nợ xấu cũng như đóng băng BĐS vẫn chưa gỡ ra được, ảnh hưởng đến NH và DN. Điều đó lý giải chuyện trong 4-5 nay, mỗi năm có hàng vạn DN đóng cửa.
Một điểm cần nhấn mạnh nữa là chủ nghĩa thân hữu đang ngự trị ở VN, làm méo mó đi chiến lược qui hoạch chính sách của nhà nước.