Sorry, America
Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) hôm 8/10 công bố số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc đã chính thức soán ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới, đẩy Mỹ lần đầu tiên trong 142 năm qua xuống vị trí thứ 2.
Các số liệu của IMF cho thấy, nền kinh tế của Tqung Quốc hiện tại tương đương khoảng 17,6 nghìn tỷ USD, so với con số 17,4 nghìn tỷ USD theo công bố của Tổng thống Barack Obama. IMF thậm chí còn dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt 27 nghìn tỷ vào 2019 - một con số khủng khiếp.
Điều đáng lo ngại với các nhà lãnh đạo Mỹ là nước này rất khó lấy lại được vị thế số 1 bởi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ và công nghiệp hóa của nước này phát triển rất nhanh trong nhiều thập kỷ qua. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của khu vực châu Á. Do vậy, Trung Quốc sẽ còn nới rộng khoảng cách với những nước đi sau.
Tới năm 2019, theo dự báo của IMF, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ 20%.
Theo Dailymail, phản ứng với thông tin gây sốc toàn cầu trên, các đại diện của Nhà Trắng đều tỏ thái độ thản nhiên. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết các chính sách của Mỹ vẫn đang đúng hướng.
Trên thực tế, những tính toán nói trên của IMF là dựa trên phương pháp ngang giá sức mua (purchasing power parity - PPP), tức có điều chỉnh, tính đến chi phí sinh hoạt thấp ở đất nước Trung Quốc. Nếu không có những điều chỉnh, nền kinh tế Trung Quốc vẫn nhỏ hơn Mỹ, chỉ ở vào khoảng 10,3 nghìn tỷ USD.
Bên cạnh đó, một điều không được được đề cập là Trung Quốc có dân số khoảng 1,3 tỷ người, gấp 4 lần Trung Quốc.
Nhưng với nhiều chuyên gia, điều quan trọng là đằng sau sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc không phải là bức tranh sáng màu, mà chứa đựng rất nhiều nguy cơ. Những nguy cơ này, chính Bắc Kinh đã nhận thấy và nỗ lực khắc phục, nhưng dường như chưa có lối thoát.
Trung Quốc vẫn còn cách xa Mỹ
Số liệu từ Bắc Kinh đưa ra giữa tháng 9 cho thấy, trong tháng 8, tín dụng của Trung Quốc thấp hơn dự báo sau khi sụt giảm trong tháng 7. Trước đó, hàng loạt các số liệu không khả quan về hoạt động sản xuất và nhập khẩu đã được công bố. Đây là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gần đây cũng cho rằng, GDP tăng trưởng cao hơn hoặc thấp hơn một chút so với mốc 7,5% là có thể chấp nhận được, miễn là việc làm, thu nhập và môi trường được cải thiện.
Trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc phát triển dữ dội, tăng trưởng ở mức 2 con số nhờ vào việc khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên khoáng sản, sử dụng lao động rẻ và bơm tín dụng mạnh. Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng khiến Bắc Kinh phải tập trung nguồn lực và trí lực để xử lý, tuy nhiên, nó vẫn tồn tại như một “vết thương”.
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xăng dầu thế giới cũng là một bất lợi lớn khi so sánh với Mỹ. Một số cảnh báo cho thấy, kinh tế Trung Quốc có thể tụt dốc đột ngột nếu phải mua dầu mỏ với giá cao. Nội chiến ở Ukraine, Iraq hay việc Mỹ tấn công lực lượng khủng bố... cũng có thể kéo giá dầu lên và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc vẫn xếp sau Mỹ về tiêu thụ dầu mỏ, nhưng nhiều dự báo cho thấy nước này sẽ nhanh chóng vượt Mỹ về nhập khẩu dầu. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại nâng cao sản lượng tự khai thác và có thể thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2017.
Một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc đang đối mặt với quá nhiều vấn đề, cả trong và ngoài nước.
Chẳng hạn như, nỗ lực bơm tiền ra thị trường của Trung Quốc để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng không còn dễ dàng bởi sức hấp thụ thấp, khi mà nền kinh tế khựng lại, các DN gặp khó khăn, nợ xấu hoành hành. Các thị trường bóng bóng là nguy cơ cao có thể phá đổ nền kinh tế.
Trong khi đó, ở phía kia bán cầu, Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới vào công nghệ, phát triển nhờ trên công nghệ và kiểm soát tầng thượng của các chuỗi giá trị sản xuất của thế giới. Mỹ gần như đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng BĐS, còn Trung Quốc vẫn đau đầu với BĐS ế thừa, giá cao.
Theo Times, hàm lượng của kinh tế Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác. Do vậy, trên phương diện tổng thể, vị trí số 1 của Mỹ có lẽ không hề suy giảm. New York vẫn là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, đồng USD vẫn giữ ưu thế tuyệt đối và gần đây ngày càng có giá hơn so với hầu hết các đồng tiền khác.
Một chuyên gia kinh tế tại New York, trên tờ RT cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang mạnh hơn tính theo PPP, nhưng Mỹ vẫn có nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới về hầu hết các phương diện khác trong nhiều năm nữa.
Kinh tế Trung Quốc vẫn ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển theo chiều rộng, dựa vào sức lao động, tài nguyên và chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngay cả sức mạnh hàng giá rẻ vốn giúp Trung Quốc bánh trướng trên khắp thế giới và thu về hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối cũng là điểm yếu. Bởi, thế giới giờ đây không chỉ nhắm mắt tiều dùng hàng giá rẻ, mà còn chú trọng tới chất lượng và cam kết về môi trường, với xã hội... Đây là những điểm yếu cố hữu mà Trung Quốc chưa thể thay đổi được.