Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình đầu tư của Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp nước này là nhà đầu tư lớn thứ 9 tại Việt Nam.
Tính đến hết tháng 3/2016, Trung Quốc (chưa kể Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao) có 1.346 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 10,4 tỷ USD. Quy mô bình quân mỗi dự án của Trung Quốc chỉ đạt 7,7 triệu USD, bằng một nửa so với mức bình quân của các nhà đầu tư khác tại Việt Nam.
|
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu Trung Quốc thi công.
|
Các khoản đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 916 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,38 tỷ USD, chiếm 52% tổng vốn. Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu theo hình thức trực tiếp (100% vốn) và hợp đồng BOT, BT, BTO...
Trung Quốc hiện đã có đầu tư tại 54 tỉnh, thành phố của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung vào các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi, gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc và có nhiều người Hoa sinh sống (Lào Cai, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng).
Bình Thuận dẫn đầu về đầu tư của Trung Quốc đạt 2 tỷ USD. Tây Ninh đứng thứ hai, tiếp đó là Hà Giang, Lào Cai, Bình Dương.
Một vài dự án lớn của nhà đầu tư Trung Quốc: Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Bình Thuận; Dự án Lốp xe Việt Luân (400 triệu USD tại Tây Ninh); Dự án chế biến cao su Tân Cao Thâm và Dự án Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (cùng có vốn 337,5 triệu USD tại Lào Cai); Dự án xây dựng các nhà máy sợi trị giá hàng tỷ USD của Tập đoàn Texhong...
Những năm gần đây, trong cơn khát nguồn năng lượng, nguyên liệu, Trung Quốc tăng cường đầu tư mạnh ra ngước ngoài. Việt Nam là điểm đến đầy hấp dẫn với nhà đầu tư Trung Quốc do đã gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt hiệp định khác.
Theo đó, vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng mạnh, chủ yếu rót vào công nghiệp chế biến, dệt nhuộm... vì muốn hưởng lợi từ làn sóng hội nhập của Việt Nam. Theo giới đầu tư dự báo, vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ chảy mạnh sang Việt Nam trong thời gian tới khi nước này chưa phải là thành viên của TPP.
Trong khi đó, tính đến hết năm 2015, Việt Nam mới có 15 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là khoảng hơn 16 triệu USD ,chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Đáng kể nhất là dự án xây dựng khu thương mại của Công ty Xuất nhập khẩu Việt Trang (vốn đăng ký 3 triệu USD) và dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm cân đồng hồ lò xo của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nhơn Hòa (vốn đăng ký 6 triệu USD).