Quân đội Trung Quốc tiến đến "chỉ cách vài mét, hoặc 1 km, vào cùng thời điểm", Gurmet Dorjay, thành viên Hội đồng phát triển khu tự trị Ladakh Autonomous của Ấn Độ nói. "Chúng tôi không đẩy lùi được. Đó là cách chúng tôi mất quyền sở hữu".
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ, ông Kiren Rijiju nói rằng chính quyền Thủ tướng Modi sẽ đưa ra các "phản ứng thích hợp" đối với các cuộc xâm nhập.
Nhiều ngôi làng như Chumar, nằm trên núi đá Ladakh khô cằn, một phần của bang Jammu và Kashmir phía bắc Ấn Độ, đang ở tiền tuyến trong cuộc chiến dài lâu nhằm giành giật từng tấc đất biên cương.
|
Chumar, khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đồ họa: Atlas
|
Ở đây có khoảng 35 hộ dân, làm nghề nuôi dê, chăn cừu và các động vật khác. Họ kiếm sống bằng cách bán len lông cừu. Người dân ở đây nói tiếng Tây Tạng, tương tự như thứ tiếng người Tây Tạng theo Phật giáo phía biên giới bên kia Trung Quốc nói vậy.
Cư dân ở đây nói rằng họ là người Ấn Độ, và sẽ bỏ đi nếu như khu vực này bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát, những người mà họ xem như thù địch về tôn giáo và lối sống.
Nhiều người dân địa phương sống ở giữa vùng tranh chấp này đã bị bắt giữ. "Mọi người lo lắng và tự hỏi liệu nên đi hay ở lại", Gyaltsan Tsering, trưởng làng Chumar, một ngôi làng gần khu vực tranh chấp nói. "Chúng tôi e ngại đụng độ sẽ nổ ra".
Người dân địa phương trước đây có tiếp xúc chút ít với quân đội Trung Quốc, ông Tsering, 40 tuổi, trưởng làng, nói, nhưng mấy năm gần đây thì mọi việc đã thay đổi.
Quân lính Trung Quốc cưỡi trên lưng ngựa tiến vào khu vực quanh làng Chumar nhiều lần vào mùa hè năm ngoái, người dân địa phương cho biết. Mùa xuân năm nay, ông Tsering và những thủ lãnh địa phương khác nói rằng, vài người chăn thả gia súc của Chumar đã bị tấn công bởi khoảng một chục lính Trung Quốc ngụy trang.
Đám lính dùng roi đánh họ tại một địa điểm gần quần thể di tích Phật giáo, Messrs, Tsering và Dorjay nói. "Không ai dám thách thức họ, nên họ được nước lấn tới", ông Tsering nói.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận điều này.
|
Con đường nhựa dẫn tới biên giới mà Ấn Độ mới làm. Ảnh: WSJ
|
Lực lượng an ninh Ấn Độ phát hiện lính Trung Quốc sử dụng máy móc hạng nặng để xây dựng một con đường đất vào lãnh thổ Ấn Độ. Hàng chục binh lính Trung Quốc cũng đã dời vị trí lên khu vực cao hơn, gần căn cứ quân sự của Ấn Độ như 30R, gần Chumar. 30R là căn cứ để Ấn Độ theo dõi các hoạt động của Trung Quốc.
Các nhà chức trách Trung Quốc chỉ vào bản đồ và nói rằng điểm cao 30R và quần thể di chúc Phật giáo gần các tu viện Chumar nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.
"Tuyên bố này của họ khác trước. Năm sau, họ sẽ trở lại, mang theo bản đồ có đường biên giới dịch chuyển xa hơn nữa", một cựu sĩ quan vùng biên giới Ấn Độ - Tây Tạng nói. "Họ cứ vẽ lại bản đồ suốt và tới xâm chiếm hết lần này tới lần khác".
Bất ổn diễn ra tại vùng núi này đã lâu, và có lúc xảy ra xô xát. Quân đội hai nước đã điều động cả máy bay trực thăng.
Ấn Độ bắt đầu tăng cường binh lính, để khởi động cho cuộc chạm trán tháng trước, mỗi bên kéo theo 1000 binh lính bổ sung ở độ cao 4500 m, khiến nó trở thành cuộc đối đầu biên giới lớn nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ, WSJ dẫn lời các quan chức Ấn Độ.
Hàng đoàn xe tải màu xám nối đuôi nhau tiếp viện cho quân lính Ấn Độ, phía Trung Quốc cũng điều động thêm quân. Cả hai bên, hầu hết được trang bị súng trường và súng lục, có lúc xô đẩy và hét vào mặt nhau, một người từng tham gia kể lại.
"Chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ có thể phấn đấu để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực biên giới, và không thực hiện bất kỳ hành động nào gây phức tạp thêm tình hình", Dương Vũ Quân, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm 30/10 nói.
Giáo sư Mã Gia Lực, một nhà quan sát Ấn Độ trên Diễn đàn cải cách Trung Quốc, chuyên gia cố vấn có liên hệ chặt chẽ với Trường đảng trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng việc Ấn Độ xây dựng các tiền đồn xung quanh Chumar, đã trói tay Trung Quốc.
"Trung Quốc không khiêu khích gây tranh chấp", ông Mã nói. Ông chỉ trích Ấn Độ đã "tạo ra một điểm mới trong cuộc tranh chấp và buộc phía Trung Quốc phải hành động để bảo vệ lập trường của mình".
Trung Quốc đang đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền với khu vực phía tây, nơi có biên giới dài 3.400 km với Ấn Độ. Hơn 400 vụ đụng độ đã xảy ra từ cuối năm 2013, Ấn Độ cho biết. Đôi khi, tranh chấp chỉ xoanh quanh các vấn đề nhỏ như vị trí dựng lều làm nơi trú ẩn cho người chăn thả gia súc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không có phản hồi trước con số Ấn Độ đưa ra và từ chối trả lời liệu có phải quân đội Ấn Độ đã vượt ra biên giới vào Trung Quốc hay không. Cả hai quốc gia đều tuyên bố quân đội của mình sẽ không rời bỏ vị trí mà họ cho là lãnh thổ của mình.
"Người Trung Quốc đã chủ động hơn", Jayadeva Ranadé, thành viên của Hội đồng cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ nói. "Họ đang cố gửi đi thông điệp rằng họ có thể gây áp lực cho chúng tôi, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào họ muốn".
Một đường ranh giới giữa 2 bên được vạch ra sau chiến tranh biên giới 1962. Cho đến nay, vị trí chính xác của ranh giới này vẫn là chủ đề tranh chấp căng thẳng giữa hai nước.
Không có biên giới phân định rõ ràng, "xảy ra xô xát là điều tự nhiên", Cảnh Nhạn Sinh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Những cuộc tranh cãi lâu nay vẫn diễn ra giữa hai nước, nhưng không có xung đột vũ trang và cả hai bên vẫn nói rằng họ quyết tâm gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên các nhà phân tích nói rằng nếu các cuộc chạm trán giữa lực lượng quân đội hai nước gia tăng sẽ dấy lên nguy cơ leo thang bất ngờ.
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng căng thẳng ngày một gia tăng do thực tế rằng cả hai phía đã xây dựng thêm nhiều tuyến đường và cơ sở hạ tầng khác, nhằm tạo thuận lợi cho việc cung ứng và di chuyển của quân đội, bất chấp thời tiết và địa hình khắc nghiệt vùng biên giới.
Hai nước từ lâu đã tồn tại mối nghi ngại chiến lược về nhau. Ấn Độ không hài lòng với Trung Quốc khi nước này quan hệ chặt chẽ với đối thủ Pakistan, cũng như tăng cường ảnh hưởng lên các nước láng giềng khác của Ấn Độ. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố mối quan tâm hàng đầu của nước này tại khu vực Nam Á là thương mại, chứ không phải quân sự.
Về phần mình, Bắc Kinh tỏ ra cảnh giác với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản, quan hệ mà một số người ở Bắc Kinh cho rằng sẽ cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc Ấn Độ cho phép Đạt Lai Lạt Ma, thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng, cư trú tại Ấn Độ cũng khiến Trung Quốc như ngồi trên đống lửa.
|
Thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ phát triển quan hệ đối tác chiến lược khiến Trung Quốc lo ngại. Ảnh: Idiatoday
|
Cuộc chiến biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tồn tại hàng thập kỷ. Căng thẳng chỉ lắng xuống sau chiến tranh biên giới năm 1962, cuộc chiến khiến hàng ngàn binh lính chết và mất tích.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực gọi là Aksai Chin, khu vực nối Tây Tạng với Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc. Hàng chục vòng đàm phán được tiến hành kể từ năm 2003 nhưng không thu được tiến bộ rõ rệt.
Bây giờ, các nhà lãnh đạo địa phương ở biên giới Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang thực hiện xâm chiếm từ từ, bằng cách đuổi người chăn nuôi gia súc ra khỏi khu vực chăn thả truyền thống.
Về phía Trung Quốc, không thể đánh giá tình hình thực tế, do nước này hạn chế phóng viên nước ngoài vào khu vực biên giới quân sự nhạy cảm.
Những cuộc chạm trán sẽ trở nên phổ biến hơn nếu như Ấn Độ di chuyển để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc về đường biên giới và cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đã đầu tư lớn ở khu vực biên giới và xây dựng một tuyến đường sắt nối liền Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng với bờ đông đất nước.
Mặc dù Thủ tướng Narendra Modi muốn thu hút nguồn đầu tư Trung Quốc, nhằm phục hồi nền kinh tế Ấn Độ, ông vẫn đi nước cờ chọc giận Bắc Kinh.
Chính phủ mới của Ấn Độ đã cam kết đưa ra một lập trường đối ngoại cứng rắn hơn. Tuần trước, Rajnath Singh, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ cho biết nước này sẽ xây dựng 54 tiền đồn mới, dọc theo khu vực phía đông của biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, và đầu tư 28,5 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng để bắt kịp với Trung Quốc.
|
Ấn Độ đang mở rộng con đường dẫn tới biên giới. Ảnh: WSJ
|
Vài năm trước, Ấn Độ cho xây dựng một con đường trải nhựa đến khu Chumar, và xây một đài quan sát. Nước này đã cho nổ tung một phần của ngọn núi ở khu vực Ladakh tháng 9 vừa qua nhằm mở rộng con đường dẫn tới biên giới và thực hiện các công trình xây dựng khác.
Quân đội Ấn Độ bắt đầu sử dụng các sân bay gần khu vực biên giới đang tranh chấp để chứng tỏ khả năng chuyển quân tiếp viện bằng đường hàng không của mình.
"Ấn Độ đang cố gắng để bắt kịp", C.Raja Mohan, một chuyên gia đối ngoại tại Quỹ nghiên cứu Quan sát viên, cơ quan tư vấn của New Delhi, nói. "Quân đội hai nước đang mở rộng hoạt động tại biên giới. Điều này đồng nghĩa với có thể sẽ có nhiều và nhiều cuộc xô xát xảy ra".