"Chúng tôi không gọi đó là thu nhập cơ bản, vì mọi người sẽ nghĩ đó là tiền miễn phí. Họ chỉ phải ngồi nhà và xem TV mà thôi", Heleen de Boer - một thành viên hội đồng thành phố cho biết.
Theo kế hoạch, một nhóm nhỏ người xin trợ cấp sẽ được nhận 660 bảng (985 USD) mỗi tháng mà không bị điều tra về điều kiện hưởng trợ cấp. Họ cũng sẽ được tùy chọn có đi làm để tăng thu nhập hằng tháng hay không. Kết quả của chương trình này sẽ được phân tích bởi nhà kinh tế học Loek Groot từ Đại học Utrecht, Guardian cho biết.
|
Các quán cafe và nhà hàng tại trung tâm Utrecht. Ảnh: Alamy
|
Ngày bắt đầu chương trình này vẫn chưa được ấn định. Và chỉ những người xin trợ cấp tham gia vào chương trình thử nghiệm mới được nhận tiền. Động cơ của thí nghiệm này, theo Nienke Horst - một cố vấn chính sách cấp cao của chính quyền thành phố, là để tránh "bẫy nghèo khó" - mọi người sợ đi làm vì sẽ mất trợ cấp, và từ đó lại ngày càng nghèo.
Nó cũng sẽ làm giảm số người chỉ đi làm tạm thời, rồi lại xin nghỉ việc. Do nếu có một mức lương cố định hằng tháng, những người này sẽ có thời gian và tư tưởng thoải mái để tìm việc làm dài hạn phù hợp với mình.
Ý tưởng của Utrecht cũng thu hút sự chú ý của nhiều thành phố khác. Lisa Westerveld thuộc hội đồng thành phố Nijmegen (Hà Lan) cho biết các chương trình phúc lợi hiện tại rất tốn kém. "Ở Nijmegen, chúng tôi tiêu tốn 88 triệu bảng mỗi năm cho phúc lợi xã hội. Nhưng chúng tôi cũng mất thêm 15 triệu bảng nữa trả cho các công chức giám sát chương trình này. Việc trả cố định hằng tháng sẽ giúp tiết kiệm tiền bạc".
Horst cho biết thêm: "Nếu anh nhận trợ cấp từ Chính phủ, anh sẽ phải làm gì đó để đổi lại. Nhưng phần lớn các thành phố không có nhân sự quản lý việc đó. Chúng ta có 10.000 người thất nghiệp tại Utrecht, nhưng nếu tất cả họ đều phải làm gì đó cho thành phố, chúng tôi không có người giám sát đâu. Quá tốn kém".
Đầu tháng này, Chính phủ Phần Lan cũng lên kế hoạch cấp 800 euro (865 USD) mỗi tháng cho tất cả người trưởng thành, bất kể thu nhập, nghề nghiệp, để thay thế các khoản trợ cấp hiện tại. Mục tiêu cũng là tiết kiệm tiền bạc và tăng tỷ lệ người dân đi làm.