Một thực trạng ở Việt Nam là bố mẹ làm lụng, chắt chiu, nhịn ăn nhịn mặc hoặc là cố kiếm tiền bằng mọi cách với tư tưởng để lại tài sản vật chất, nhà cửa, đất đai, tài sản cho con cái. Nhưng ở Mỹ thì khác, các ông bố bà mẹ Mỹ tiết kiệm là để dành cho bản thân chứ không phải cho con cái. Họ chỉ đầu tư cho con cái kiến thức, kỹ năng sống, nuôi con cái đến tuổi trưởng thành.
|
Gia đình tỷ phú Bill Gates. "Ông trùm" phần mềm này đã tuyên bố dành hầu hết gia sản cho sự nghiệp từ thiện.
|
Kẩm Nhung, tác giả cuốn sách “Con là khách quý” đã dành thời gian chia sẻ với VietNamNet để làm rõ hơn quan điểm, suy nghĩ của các bậc cha mẹ người Mỹ về vấn đề để lại tài sản gì cho con. Kẩm Nhung đã tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Minnesota, Mỹ, cô hiện đang sống cùng chồng và cô con gái nhỏ tên Xoài ở Chicago. Cô đã có những quan sát tỉ mỉ, tiếp xúc với các bậc cha mẹ người Mỹ để ra đời cuốn sách dạy con rất khoa học. Dưới đây là chia sẻ của chị:
“Với những gì tôi quan sát ở Mỹ thì cách người Mỹ quan niệm về thừa kế cho con rất khác. Phần nhiều những hỗ trợ của bố mẹ dành cho con là tới khi con đi học. Khi con đi học và đặc biệt là khi đã tốt nghiệp đại học, thì mặc định là con là người tự chủ cuộc sống của mình, tự lo kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của mình. Nói về vật chất, nếu bố mẹ có ý định hỗ trợ con thì thường là hỗ trợ tiền học phí để đi học đại học, nhưng con thường là người đi làm thêm để hỗ trợ trang trải cho tiền nhà, tiền ăn của mình.
Bố mẹ đi làm, tiết kiệm, dành dụm để khi về già thì sống bằng tiền đó, khi về già thì lấy tiền hưu để sống những năm tháng tuổi già, tới khi già yếu thì thuê người chăm sóc. Nếu có quyết định vào nhà dưỡng lão thì họ bán căn nhà của mình và lấy tiền đó để trang trải chi phí của nhà dưỡng lão. Trong hệ thống như vậy, bố mẹ không phải chịu áp lực phải “nuôi con” khi con đã trưởng thành, con cái phải gắng sức, tự lập để tự lo được những chi phí căn bản nhất trong cuộc sống của mình. Nếu con cái có khó khăn, ví dụ chưa tìm được việc, thì có thể nói chuyện với bố mẹ, “xin” bố mẹ cho về nhà bố mẹ sống một thời gian trong khi tìm việc, và khi có thể tự trang trải rồi, thì lại “bay đi”. Cũng như vậy, con cái lớn lên thì mục tiêu đầu tiên là lo được cho bản thân mình, làm điều mình thích, chứ không phải gánh nặng nuôi bố mẹ lúc tuổi già vì bố mẹ đã tự chủ quá trình đó. Nhưng nếu bố mẹ cần sự hỗ trợ của con cái thì có thể tới ở với gia đình con cái trong một khoảng thời gian nhất định.
Như vậy, có thể thấy, điều căn bản mà người Mỹ hướng tới không phải là “để lại được cái nhà cho con”. Những điều họ chú trọng “để lại” cho con là:
- Tình yêu với con: Dành thời gian đưa con đi học, tham gia cac hoạt động ngoại khóa của con, thời gian chơi với con ở nhà, nấu bếp cùng con, đưa con đi chơi, đi công viên, thư viện...
- Là “tấm gương” cho con, dạy con kĩ năng sống độc lập và những giá trị sống. Một ví dụ cụ thể, một gia đình bạn tôi dạy con từ nhỏ về việc tiết kiệm – sống phù hợp với túi tiền của mình. Nói chuyện với một em bé 5 tuổi trong gia đình bạn, tôi ngạc nhiên khi em khoe gia đình em (2 bố mẹ và 5 người con) sẽ lái xe về thăm ông bà ở Kentucky, và em nói “Nhà cháu sẽ lái xe chứ không đi máy bay đâu, vì 2 người lớn với 5 trẻ nhỏ mà đi máy bay thì sẽ tốn nhiều tiền lắm”.
Dạy con về tiền
Hầu như lúc nào con cái cũng là đối tượng được bố mẹ chăm sóc và không hề hiểu được bố mẹ phải đối mặt với những lo lắng gì trong cuộc sống hằng ngày.
Một lần tôi rảnh rỗi ngồi cạnh 2 bé gái, một bé 8 tuổi, một bé 6 tuổi. Hai bé rủ tôi chơi trò “Game of life” – “Trò chơi cuộc đời”. Trông bộ đồ chơi này giống như trò “Monopoly – Tỷ phú”. Cũng có xúc xắc, để xem mình được đi mấy bước, và phải “làm” theo những gì ô mình bước vào yêu cầu. Trước khi chơi, Dana, Abby và tôi, mỗi người được phát một chiếc ô tô và 200 nghìn đô, coi như là ngân quỹ để bắt đầu hành trình. Nội dung các ô trong trò Game of life là các tình huống, các sự kiện lớn nhỏ trong cuộc đời, từ đi học, tốt nghiệp, đi làm, lập gia đình đến về hưu. Chính vì vậy mà trong một tiếng chơi, đây là những gì tôi nghe phát ra từ hai cô bé:
- Ha ha, đến ngày lĩnh lương rồi!
- Ôi trời ơi, trời mưa, nhà bị hỏng mái, phải bỏ ra 2000 để sửa rồi.
- Hừm, nên đi học đại học hay đi làm luôn nhỉ? Đi học đại học thì sẽ phải bỏ ra 100 nghìn đô, nhưng có cơ hội có việc làm lương cao hơn.
- Ôi tôi có bầu và sinh con. Tôi thích con gái. (Cầm và nhấc một hình người nhỏ đặt lên xe)
The video could not be loaded, either because the server or network failed or because the format is not supported: http://img.vietnamnetad.vn/2014/10/28/09/blank-video.mp4
- Em chọn làm phi công – lương 100 nghìn đô.
- Huhu, bị sa thải vì ngủ gật trong lúc làm việc.
- Hừm, mua căn hộ thôi cho tiết kiệm.
Phải nói là đây là trò chơi mang tính giáo dục và ý nghĩa nhất mà tôi từng gặp. Hãy thử tưởng tượng mỗi khi bạn gặp khó khăn không biết giải thích với con thế nào khi con đòi mua một con búp bê đắt tiền. Thay vào đó, hãy rủ con chơi “Trò chơi cuộc đời” để con hiểu về những gì xảy ra trong cuộc đời, những đánh đổi trong kiếm tiền và tiêu tiền. Tôi tin chắc rằng bạn sẽ có một đứa con biết hiểu và thông cảm với bố mẹ!
Khi dạy con về tiền, thay vì không bao giờ đưa cho con tiền, người Mỹ trao tiền cho con. Ví dụ, hằng tháng, bố mẹ sẽ cho con 5 đô, và con được tiêu số tiền này vào việc gì con muốn, miễn là không ảnh hưởng đến sức khỏe hay vi phạm pháp luật. Bố mẹ đưa con khoản tiền này vì biết rằng con có những nhu cầu riêng và không cần nhất thiết cứ phải hỏi xin bố mẹ, thứ nữa, bố mẹ muốn dạy con cách quản lý tiền. Con có thể tiết kiệm, con có thể tiêu, mua truyện, mua đồ ăn con muốn, mua đồ chơi, thậm chí cho bạn vay. Số tiền này được đưa vào một ngày nhất định trong tháng. Nếu con cần tiền mà 5 đô không đủ, con có thể vay “ngân quỹ 5 đô” của tháng sau, nhưng con phải chịu lãi suất. Có nghĩa là nếu con cầm 2 đô trước, thì tháng sau con chỉ được nhận được 2 đô thôi, 1 đô mất đi vì phải trả lãi.
Cô bạn học Lydia của tôi kể hồi bé bố mẹ cô ấy cũng cho cô khoản tiền tiêu vặt như trên, ngoài ra cuối mỗi kỳ học khi đạt thành tích sẽ được bố mẹ thưởng. Bố mẹ Lydia dẫn cô ra ngân hàng, mở cho cô một tài khoản, để cô nộp tiền thưởng vào tài khoản. Định kỳ, bố mẹ lại đưa Lydia ra ngân hàng để kiểm tra tài khoản, xem khoản tiền đã sinh sôi lãi suất bao nhiêu và để Lydia quyết định xem, cô có muốn rút tiền ra để mua gì không hay tiếp tục để tiền trong tài khoản để hưởng lãi suất.
Tôi vẫn nhớ những ngày bé, lang thang cửa hàng bán sách gần trường, thấy có cuốn truyện cổ tích hay mà không thể mua vì muốn mua phải về xin mẹ rồi mẹ đến tận nơi mua cho. Hoặc muốn ăn mực nướng, ô mai, ổi, xoài... mà lúc đó lại không có tiền. Mẹ có cho tôi tiền tiêu vặt nhưng không theo một quy định như ở trên nên tôi hầu như không thể kiểm soát được mình tiêu bao nhiêu, tiết kiệm thế nào. Tôi chỉ biết mình tiêu nhiều khi mẹ than phiền “Sao suốt ngày xin tiền mẹ thế?” Tôi ước gì mình cũng đã được học cách quản lý “tài chính cá nhân” như Lydia và em bé trên”