Theo Bộ Tài chính, trong 5 năm qua, giai đoạn 2008-2013, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên đã chậm nộp tiền thuế. Mức phạt ban đầu được tính "lãi suất" 0,05%/ngày, tương ứng 18,3%/năm đánh trên số tiền thuế chậm nộp. Riêng với các khoản nợ thuế trên 90 ngày, mức tính tiền phạt chậm nộp sẽ tăng thêm 0,02% mỗi ngày, từ 0,05% lên 0,07%/ngày, tương ứng "lãi suất" 25,5%/năm.
Tuy nhiên, khó khăn của các doanh nghiệp giai đoạn này có nhiều nguyên nhân khách quan, như thị trường tiêu thụ khó khăn, tồn kho sản phẩm cao, lạm phát cao, tín dụng vay ngân hàng lãi suất cao, trên 20%/năm, chu kỳ sản xuất kéo dài và bị khách hàng chậm thanh toán số tiền lớn. Khi bị phạt chậm nộp, những doanh nghiệp này sẽ càng khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn.
Bộ Tài chính nhận định, trong bối cảnh hiện nay, nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh, khó có khả năng nộp tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, nhất là trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng. Hiện tại, có những trường hợp tiền phạt chậm nộp còn lớn hơn cả tiền thu.
|
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên đã chậm nộp tiền thuế.
|
Bộ Tài chính e ngại rằng, nếu không có cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được sẽ ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế, khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Thậm chí, có thể sẽ có trường hợp lâm vào phát sản, giải thể, ngừng hoạt động.
Các số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, số tiền nợ thuế ngày càng lớn theo thời gian.
Tính hết năm 2013, số nợ thuế của các doanh nghiệp trên cả nước là 60.919 tỷ đồng, tăng 10,64% so với năm 2012. Trong đó, nợ khó thu chiếm 16,8%, nợ đến 90 ngày chiếm 22,9%, nợ trên 90 ngày chiếm 54,9% và nợ chờ xử lý chiếm 5,4%.
Tính đến tháng 6/2013, số tiền phạt chậm nộp vào khoảng hơn 9. 700 tỷ đồng, chiếm 15% tổng số nợ thuế. Con số này bao gồm số tiền phạt chậm nộp từ nợ khó thu là 1.134 tỷ đồng, nợ dưới 90 ngày là 1.770 tỷ đồng, nợ trên 90 ngày là 6.537 tỷ đồng, chiếm 67% tổng số nợ phạt chậm nộp.
5 tháng đầu năm nay, con số nợ thuế trên tiếp tục tăng thêm 12,5% nữa, lên con số hơn 68.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, tình hình phá sản doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tổng cục Thống kê cho biết, trong cả 9 tháng qua, cả nước đã có 48.330 doanh nghiệp buộc phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng tháng 9 có 4.549 doanh nghiệp lâm vào tình trạng này.
|
Bộ Tài chính vừa đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cơ chế xoá nợ toàn bộ tiền chậm nộp thuế và tiền phạt chậm nộp.
|
Cụ thể, cả nước đã có 7. doanh nghiệp giải thể, 8.440 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và có tới 32.863 doanh nghiệp đang chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không thông báo tới cơ quan quản lý.
Để "cứu" doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cơ chế xoá nợ toàn bộ tiền chậm nộp thuế và tiền phạt chậm nộp của các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn do khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014.
Các doanh nghiệp này sẽ phải đáp ứng 3 tiêu chí, thứ nhất là doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế.
Hơn nữa, đây là các doanh nghiệp có đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp.
Đây cũng là các doanh nghiệp phải vay các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.
Dự kiến, tổng số thuế cần xoá nợ trên là khoảng 4.800 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ KHĐT đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét cơ chế trích một phần ngân sách để xoá nợ xấu cho doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, hôm 17/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bác bỏ đề xuất này.