Sau 3 ngày làm việc, chiều 18/9, phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cho thuê Tài chính II – ALC II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) bước sang phần tranh luận.
|
Không lâu sau khi tạm thoát án tử hình, bị cáo Hảo lại đối diện với bản án tử hình trong vụ nâng khống thiết bị lặn. Ảnh: Hải Duyên.
|
Theo đại diện VKS cho biết, trong thời gian 2006-2007, để có tiền giải quyết nợ xấu cho một số công ty đối tác và đầu tư kinh doanh bất động sản, ông Vũ Quốc Hảo đã chỉ đạo Phạm Minh Tuấn - nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cát Long Hải (công ty sân sau của Hảo) và dàn lãnh đạo cấp dưới móc nối với Hoàng Lộc (tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định, giám định Việt Nam) nâng khống thiết bị lặn Tinro 2 của Công ty Cát Long Hải từ 100 triệu lên 130 tỷ đồng. Sau đó bán lại cho ALCII nhằm hợp thức hóa việc giải ngân trái phép tiền Nhà nước.
"Trong đó, bị cáo Hảo là người đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo Phạm Minh Tuấn và Hoàng Lộc là những đồng phạm tích cực. Nếu không có sự giúp sức của hai bị cáo này thì Hảo không thể thực hiện được hành vi phạm tội”, VKS nhận định.
Theo cơ quan công tố, 3 bị cáo này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham ô tài sản lớn, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh kế của Nhà nước... hành vi của các bị cáo gây bức xúc trong dư luận. "Chỉ có đầu óc của những người tha hóa, biến chất mới nghĩ ra hành vi nâng khống một thiết bị từ 100 triệu lên 130 tỷ đồng. Vì vậy, cần phải loại bỏ các bị cáo ra khỏi xã hội mới đủ tính răn đe và làm gương cho người khác", VKS đánh giá và đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo Vũ Quốc Hảo, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Lộc mức án tử hình về tội Tham ô tài sản.
Đối với các bị cáo Vũ Đức Hòa (nguyên giám đốc công ty Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (nguyên kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải), Lê Phúc Đức (nguyên trưởng phòng thẩm định, Công ty Cổ phần thẩm định, giám định Việt Nam) VKS đề nghị mức án tù chung thân vì giúp sức đắc lực cho Hảo thực hiện hành vi phạm tội.
|
3 trong số 11 bị cáo trong vụ án bị đề nghị mức án tử hình. Ảnh: Hải Duyên.
|
Với cáo buộc biết việc làm của Hảo và một số đồng phạm khác là sai phạm nhưng không ngăn chặn mà vẫn giúp sức thực hiện, dàn lãnh đạo cấp dưới của Công ty ALC II gồm: Nguyễn Văn Tài (nguyên phó giám đốc, Phạm Xuân Nghị (nguyên trưởng phòng cho thuê tài chính), Đinh Nguyên Tý, Nguyễn Văn Thọ (nguyên phó trưởng phòng cho thuê tài chính) bị đề nghị từ 18 đến 20 năm về tội Tham ô tài sản. Riêng bị cáo Phùng Văn Đồng (nguyên phó phòng kinh doanh 1) bị đề nghị 15–16 năm tù về cùng tội danh.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Hảo thừa nhận toàn bộ hành vi chỉ đạo các đồng phạm thực hiện hồ sơ nâng khống thiệt bị lặn và ký các hợp đồng mua bán, cho thuê tài chính khống để giải ngân số tiền 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, cựu tổng giám đốc ALC II cho rằng không tư lợi cá nhân một đồng nào trong số tiền này và chỉ đạo anh em quản lý chặt chẽ, chỉ để xóa nợ xấu cho các công ty đối tác. Từ đó, ông Hảo đề nghị toà xem xét lại về mặt tội danh.
Tương tự, các bị cáo còn lại cũng thừa nhận thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng và cho biết đã thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Hảo, không cầm tiền hoặc sử dụng tiền đã giải ngân. Họ xin HĐXX xem xét lại về tội danh để có khung hình phạt thấp hơn.
Liên quan đến sai phạm tại ALC II, cuối năm 2013, bị cáo Hảo từng bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án tử hình về tội Tham ô tài sản và làm thất thoát 530 tỷ đồng của Nhà nước. Vào hồi tháng 7, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên hủy một phần bản án, trả hồ sơ điều tra lại về tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ nên bị cáo Hảo được tạm thoát án tử hình.